Xin hỏi là các hoạt động ký kết thỏa thuận quốc tế hiện nay được quy định thế nào? - Trà Giang (Phú Yên)
- Thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan nhà nước cấp tỉnh
- Thỏa thuận quốc tế là gì? 06 điều cần biết về thỏa thuận quốc tế
06 điều cần biết về việc ký kết thỏa thuận quốc tế (Hình từ Internet)
Xin hỏi là các hoạt động ký kết thỏa thuận quốc tế hiện nay được quy định thế nào? - Trà Giang (Phú Yên)
1. Thỏa thuận quốc tế là gì?
Thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
(Khoản 1 Điều 2 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020)
2. Các bên ký kết Việt Nam
Tại khoản 2 Điều 2 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 quy định về bên ký kết Việt Nam bao gồm:
- Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội (sau đây gọi chung là cơ quan của Quốc hội), Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan nhà nước cấp tỉnh);
- Tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới;
- Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (cơ quan trung ương của tổ chức);
Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (cơ quan cấp tỉnh của tổ chức).
3. Thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ
Tại Điều 8 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 quy định về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:
- Chủ tịch nước quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ.
4. Thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước
Tại Điều 9 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 quy định về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:
Bước 1: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến thỏa thuận quốc tế đó.
Bước 2: Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 27 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020.
Bước 3: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ; kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đối với thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước.
Bước 4: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tiến hành ký kết hoặc ủy quyền cho một người khác ký thỏa thuận quốc tế.
Trên cơ sở quyết định bằng văn bản của Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc ký kết thỏa thuận quốc tế.
Bước 5: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ báo cáo Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản, gửi bản sao thỏa thuận quốc tế cho Bộ Ngoại giao và cơ quan, tổ chức có liên quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thỏa thuận quốc tế được ký kết.
5. Cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ
Căn cứ Điều 10 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 quy định về cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ như sau:
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp Giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trên cơ sở văn bản đồng ý của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký.
6. Rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký kết
Rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký kết được quy định tại Điều 11 Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 như sau:
Trước khi tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan rà soát, đối chiếu văn bản bằng tiếng Việt với văn bản bằng tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức.
Ngọc Nhi
- Từ khóa:
- thỏa thuận quốc tế