Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 528/QĐ-BYT hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19. Theo đó, có một số lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà như sau:
05 lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà (Ảnh minh họa)
1. Điều kiện đối với trẻ em mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà
1.1 Tiêu chí lâm sàng
- Trẻ em ≤ 16 tuổi mắc COVID được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.
- Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi).
- Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
1.2 Có người chăm sóc
Như bố, mẹ, người thân… có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ (sau đây gọi chung là người chăm sóc), có khả năng liên lạc với nhân viên y tế (qua các phương tiện như điện thoại, máy tính…) để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.
2. Các triệu chứng bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế
2.1 Đối với trẻ dưới 5 tuổi
Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
- Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật
- Sốt cao liên tục >39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h
- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:
+ Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;
+ Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;
+ Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn…
- Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít…(6) Tím tái
- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
- Nôn mọi thứ
- Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
- Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng…
- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
2.2 Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên
Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:
- Cảm giác khó thở.
- Ho thành cơn không dứt
- Không ăn/uống được
- Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
- Nôn mọi thứ
- Đau tức ngực
- Tiêu chảy
- Trẻ mệt, không chịu chơi
- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 )
- Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
- Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn…
- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
3. Thuốc điều trị cho trẻ mắc COVID-19
- Thuốc hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38,50 C: Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại (hoặc sử dụng liều theo tuổi, chi tiết trong bảng dưới đây);
Lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.
Hướng dẫn liều lượng thuốc paracetamol cho trẻ em theo tuổi
(chỉ dùng khi không biết cân nặng – tối ưu nhất là tính liều theo cân nặng của trẻ)
Độ tuổi trẻ em |
Thuốc |
Liều thuốc mỗi lần |
< 1 tuổi |
Paracetamol 80mg |
1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 1 đến dưới 2 tuổi |
Paracetamol 150mg |
1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 2 đến dưới 5 tuổi |
Paracetamol 250mg |
1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 5 đến 12 tuổi |
Paracetamol 325mg |
1 viên x 4 lần/ ngày |
Trên 12 tuổi |
Paracetamol 500mg |
1 viên x 4 lần/ ngày |
- Thuốc cân bằng điện giải khi mất nước (do sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi): Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol (pha và dùng theo đúng hướng dẫn), nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây.
Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp (không sản xuất từ hoa quả) để bù nước;
- Tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh.
- Dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết:
+ Ho: Có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc).
+ Ngạt mũi, xổ mũi: xịt rửa mũi, nhỏ mũi bằng dung dịch natriclorua 0,9%.
+ Tiêu chảy: men vi sinh, men tiêu hóa.
(Với trẻ đang được sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo đơn ngoại trú thì tiếp tục sử dụng theo hướng dẫn).
4. Điều kiện để kết thúc cách ly trẻ em mắc COVID-19
Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính vi rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc do người chăm sóc, trẻ tự thực hiện tại nhà.
Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.
5. Không xông cho trẻ em, không tự dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm…khi chưa có chỉ định.
Bộ Y tế lưu ý khi chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà như sau:
- Không tự ý dùng thuốc kháng vi rút, kháng sinh, kháng viêm…khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế.
- Không xông cho trẻ em.
Quyết định 528/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 03/3/2022.
Bảo Ngọc