Hiệp định EVFTA: 04 nội dung đáng chú ý về Quy tắc xuất xứ hàng hóa

Hiệp định EVFTA đã mở ra những cơ hội và triển vọng trong quan hệ đối tác toàn diện của Việt Nam và EU. Theo đó, đối với Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA cần lưu ý 04 nội dung sau.

Hiệp định EVFTA, Thông tư 11/2020/TT-BCT

04 nội dung đáng chú ý về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA (Ảnh minh họa)

1. Cách xác định xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định EVFTA

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 11/2020/TT-BCT, hàng hóa được coi là có xuất xứ theo Hiệp định EVFTA khi:

- Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một Nước thành viên, bao gồm:

  • Cây trồng và sản phẩm cây trồng được trồng và thu hoạch hoặc thu lượm tại Nước thành viên;

  • Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên;

  • Sản phẩm của động vật sống được nuôi dưỡng tại Nước thành viên;

  • Sản phẩm thu được từ giết mổ động vật được sinh ra và nuôi dưỡng tại Nước thành viên;

  • Sản phẩm thu được từ săn bắn hoặc đánh bắt tại Nước thành viên;

  • Sản phẩm thu được từ nuôi trồng thủy sản trong đó cá, động vật giáp xác và động vật thân mềm được sinh ra hoặc nuôi dưỡng từ trứng, cá bột, cá nhỏ và ấu trùng;

  • Sản phẩm đánh bắt và các sản phẩm khác thu được ngoài vùng lãnh hải bằng tàu;

  • Sản phẩm được sản xuất ngay trên tàu chế biến của Nước thành viên từ các sản phẩm được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Thông tư 11;

  • Sản phẩm đã qua sử dụng thu được từ Nước thành viên chỉ phù hợp để tái chế thành nguyên liệu thô;

  • Phế thải và phế liệu thu được từ quá trình sản xuất tại Nước thành viên;

  • Sản phẩm được khai thác từ đáy biển hoặc dưới đáy biển ngoài vùng lãnh hải nhưng thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nước thành viên;

  • Hàng hóa được sản xuất hoàn toàn tại Nước thành viên từ các sản phẩm theo quy định trên.

- Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được tạo ra tại một Nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện nguyên liệu đó phải trải qua các công đoạn gia công hoặc chế biến đầy đủ khi đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BCT.

2. Nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ vẫn được phép sử dụng

Tại Điều 8 Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định trường hợp nguyên liệu không đáp ứng Quy tắc cụ thể mặt hàng tại Phụ lục II , hạn mức về trị giá hoặc trọng lượng của nguyên liệu không có xuất xứ vượt quá tỷ lệ phần trăm tối đa tại Phụ lục II và nguyên liệu, hàng hóa không áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ thuần túy thì nguyên liệu không có xuất xứ vẫn được phép sử dụng nếu tổng trị giá hoặc trọng lượng tịnh của nguyên liệu không vượt quá:

  • 10% giá xuất xưởng hoặc trọng lượng sản phẩm, áp dụng đối với sản phẩm thuộc Chương 2 và thuộc từ Chương 4 đến Chương 24 của Hệ thống Hài hòa, trừ thủy sản chế biến thuộc Chương 16 của Hệ thống Hài hòa;

  • 10% giá xuất xưởng của sản phẩm, áp dụng đối với sản phẩm khác, trừ sản phẩm thuộc Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống Hài hòa;

  • Hạn mức linh hoạt đối với sản phẩm thuộc Chương 50 đến Chương 63 của Hệ thống Hài hòa áp dụng theo quy định tại Chú giải 6 và Chú giải 7 của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BCT.

3. Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định EVFTA

Căn cứ theo quy định Điều 19 Thông tư 11/2020/TT-BCT, hàng hóa có xuất xứ Liên minh châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA khi nộp một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:     

  • Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (“C/O”) mẫu EUR.1 được cấp từ cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu;

  • Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu do nhà xuất khẩu đủ điều phát hành đối với lô hàng có trị giá bất kỳ; hoặc nhà xuất khẩu bất kỳ phát hành đối với lô hàng không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô);

  • Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu điện tử phù hợp quy định của Liên minh châu Âu và đã được thông báo với Việt Nam.

Đồng thời, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào Liên minh châu Âu được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA khi có một trong những chứng từ chứng nhận xuất xứ sau:

  • Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (“C/O”) mẫu EUR.1 của Việt Nam;

  • Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam phát hành bởi nhà xuất khẩu có lô hàng trị giá không quá 6.000 EUR (sáu ngàn ơ-rô);

  • Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phát hành bởi nhà xuất khẩu đủ điều kiện hoặc nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ sở dữ liệu phù hợp quy định của Bộ Công Thương. (Lưu ý: Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam thông báo tới Liên minh châu Âu)       

4. Miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định EVFTA

Cụ thể, tại Điều 29 Thông tư 11/2020/TT-BCT quy định về hàng hóa được miễn chứng từ xuất xư theo Hiệp định EVFTA bao gồm:

  • Hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định tại Thông tư này và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó. Trong trường hợp hàng hóa được gửi qua bưu điện, khai báo có thể được thực hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc trên một văn bản đính kèm tờ khai hải quan;

  • Lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng cho mục đích thương mại.

Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với hàng hóa thuộc 02 trường hợp trên, tổng giá trị hàng hóa không được vượt quá 500 EUR (năm trăm ơ-rô) đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1.200 EUR (một ngàn hai trăm ơ-rô) đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Liên minh châu Âu. Hoặc tổng giá trị hàng hóa không được vượt quá 200 đô-la Mỹ (hai trăm đô-la Mỹ) đối với trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1633 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;