Tôi đang có nguyện vọng là hòa giải viên tại Tòa án. Tôi muốn biết điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên được quy định thế nào? - Công Hậu (Khánh Hòa)
04 điều cần biết về hòa giải viên (Hình từ Internet)
1. Hòa giải viên là ai?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, hòa giải viên tại Tòa án (sau đây gọi là Hòa giải viên) là người có đủ điều kiện, được Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để tiến hành hòa giải tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
2. Điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
- Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;
- Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;
- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp, Kiểm sát viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên.
Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên:
- Không đáp ứng điều kiện theo quy định trên;
- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân, công nhân công an.
(Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)
3. Hồ sơ bổ nhiệm hòa giải viên
Người có đủ điều kiện theo quy định sẽ nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên.
Cụ thể hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên bao gồm:
- Đơn đề nghị bổ nhiệm;
- Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp;
- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;
- Giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
- Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
Khi đó, căn cứ nhu cầu bổ nhiệm Hòa giải viên, Tòa án nơi nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên lựa chọn người có đủ điều kiện đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm.
(Khoản 1, 2, 3 Điều 11 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)
4. Quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên
4.1. Quyền của Hòa giải viên
Hòa giải viên có các quyền sau đây:
- Tiến hành hòa giải vụ việc dân sự, đối thoại khiếu kiện hành chính theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
- Yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, khiếu kiện; các thông tin, tài liệu liên quan khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại;
- Xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trước khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo yêu cầu của một trong các bên;
- Mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại; tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về lĩnh vực tranh chấp, khiếu kiện;
- Không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, trừ trường hợp các bên đồng ý bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
- Từ chối việc lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại nếu có đủ căn cứ xác định thỏa thuận, thống nhất đó vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
- Được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại;
- Được cấp thẻ Hòa giải viên;
- Được hưởng thù lao theo quy định của Chính phủ;
- Được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)
4.2. Nghĩa vụ của hòa giải viên
Hòa giải viên có các nghĩa vụ sau đây:
- Tiến hành hòa giải, đối thoại theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
- Tuân thủ pháp luật, độc lập, vô tư, khách quan;
- Bảo đảm bí mật thông tin theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
- Không ép buộc các bên hòa giải, đối thoại trái với ý chí của họ;
- Không được nhận tiền, lợi ích từ các bên;
-Từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
- Tôn trọng sự thỏa thuận, thống nhất của các bên, nếu nội dung thỏa thuận, thống nhất đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;
- Từ chối tham gia tố tụng với tư cách là người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đối với vụ việc mà mình đã tiến hành hòa giải, đối thoại nhưng không thành và được chuyển cho Tòa án giải quyết theo trình tự tố tụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(Khoản 1 Điều 14 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)
Thanh Rin
- Từ khóa:
- Hòa giải viên