Hành vi rải đinh trên đường của các "đinh tặc" đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, có thể làm ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, gây bức xúc và lo lắng cho dư luận. Vậy pháp luật quy định chế tài xử lý các đối tượng này như thế nào?
Xử lý các "đinh tặc" có hành vi rải đinh trên đường như thế nào? (Ảnh minh họa)
Theo quy định pháp luật hiện hành, các "đinh tặc" có hành vi rải đinh trên đường có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị xử lý hình sự, cụ thể như sau:
1. Phạt hành chính
Theo quy định tại khoản 10 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì các "đinh tặc" có hành vi rải đinh trên đường sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, cụ thể:
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông;
Bên cạnh đó, các "đinh tặc" buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi của mình gây ra.
2. Xử lý hình sự
Theo quy định của khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về "Tội cản trở giao thông đường bộ" thì các "đinh tặc" sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu hành vi rải đinh của mình gây ra một trong những hậu quả sau đây:
-
Làm chết người;
-
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
-
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
-
Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Đặc biệt, tình hình hiện nay cho thấy rằng các "đinh tặc" đang có xu hướng rải đinh trên đường cao tốc, nơi mà các phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Đối với hành vi rải đinh trên đường cao tốc, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định mức xử phạt cho các đối tượng "đinh tặc" là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Chế tài xử phạt tương xứng với mức độ mà hành vi gây ra, các "đinh tặc" sẽ phải chịu hình phạt có thể lên đến 10 năm tù giam nếu hành vi rải đinh gây ra một trong những hậu quả sau đây:
-
Làm chết 03 người trở lên;
-
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
-
Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
-
Trong trường hợp các hậu quả trên đây chưa xảy ra nhưng có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời, các "đinh tặc" sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
3. Bất cập của pháp luật hiện nay:
Đối với "Tội cản trở giao thông đường bộ" tại Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 thì lỗi của người để vật sắc nhọn (đinh) đối với hậu quả là vô ý, trong khi đó hành vi của các "đinh tặc" rõ ràng thuộc lỗi cố ý nhằm mục đích gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia giao thông để trục lợi. Chính vì vậy, việc truy tố các đối tượng rải đinh "Tội cản trở giao thông đường bộ" là bất cập về mặt lý luận, mặt chủ quan của tội phạm, không phù hợp với thực tiễn.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Nguyên Phú