Trên thực tế, việc xài tiền người khác chuyển nhầm có thể xuất phát từ lỗi vô ý hoặc cố ý. Trường hợp cố ý, chủ tài khoản biết rõ số tiền do người khác chuyển nhầm, không thuộc sở hữu của mình nhưng vẫn sử dụng có thể bị phạt tù đến 07 năm.
Xài tiền người khác chuyển nhầm có thể bị phạt tù đến 07 năm (Ảnh minh họa)
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các giao dịch tài chính thực hiện qua Internet Banking với tần số ngày càng nhiều. Đôi khi, do lỗi hệ thống hoặc sơ suất của chủ sở hữu mà tiền bị chuyển nhầm vào tài khoản của người khác. Vậy vấn đề đặt ra là, khi phát hiện tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình, chủ tài khoản phải xử lý thế nào? Trường hợp chủ tài khoản không trả lại số tiền này mà rút ra để sử dụng thì sẽ phải chịu những trách nhiệm gì?
1. Khi phát hiện tiền do người khác chuyển nhầm, chủ tài khoản phải trả lại cho chủ sở hữu
Theo quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015,
Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dựa vào quy định này, tình huống chủ tài khoản nhận tiền người khác chuyển nhầm, thì số tiền này không thuộc quyền sở hữu của chủ tài khoản và việc chiếm hữu của chủ tài khoản là không có căn cứ pháp luật. Vì vậy, chủ tài khoản có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền cho chủ sở hữu. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu, chủ tài khoản phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực tế, chủ tài khoản cũng có thể liên hệ với ngân hàng để truy xuất nguồn gốc của giao dịch và xử lý kịp thời.
Về nghĩa vụ hoàn trả, Bộ luật Dân sự 2015 quy định một trường hợp ngoại lệ như sau:
Nếu việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu thì người chiếm hữu được trở thành chủ sở hữu tài sản đó.
2. Chủ tài khoản nếu xài tiền người khác chuyển nhầm ngoài bị xử phạt hành chính còn có thể bị phạt tù đến 07 năm
Xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ tài khoản - người nhận tiền người khác chuyển nhầm nếu không trả lại số tiền chuyển nhầm cho chủ sở hữu có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 về Tội Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi: cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật;
- Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia;
=> Nếu chủ tài khoản không hoàn trả lại tiền người khác chuyển nhầm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác với mức phạt tù lên đến 05 năm nếu số tiền chiếm giữ trái phép từ 200.000.000 đồng trở lên .
Trường hợp, chủ tài khoản đã rút số tiền người khác chuyển nhầm và sử dụng thì căn cứ theo quy định tại Điều 177 về Tội sử dụng trái phép tài sản:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi: vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 500.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 219 và Điều 220 của Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
-
Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
-
Tài sản là bảo vật quốc gia;
-
Phạm tội 02 lần trở lên;
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
-
Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, việc “nhặt được của rơi, trả lại cho người mất” không còn đơn thuần dừng lại ở ý thức, sự tự nguyện của mỗi người mà đã trở thành quy định bắt buộc của pháp luật. Để đảm bảo thực hiện, pháp luật còn quy định mức phạt khá nặng cho hành vi vi phạm, cụ thể đối với hành vi xài tiền người khác chuyển nhầm có thể bị phạt tù đến 7 năm nếu trị giá tài sản sử dụng trái phép từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
Thùy Trâm