Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Hướng dẫn 13/HD-VKSTC hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm án ma túy năm 2021.
VKS các cấp phải lưu ý các điều này trong công tác liên quan đến tội phạm ma túy (Ảnh minh họa)
Theo đó, đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát các cấp thực hiện đúng các quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Thông tư liên tịch của liên ngành Trung ương,... và Quy chế nghiệp vụ của Ngành trong từng khâu công tác để xử lý các vụ án, vụ việc hình sự nói chung. Trong lĩnh vực công tác liên quan đến tội phạm về ma túy, Viện kiểm sát các cấp cần chú ý các nội dung sau:
1. Về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về ma túy
- Viện kiểm sát các cấp xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, các cơ quan hữu quan cùng cấp để nắm chắc và đầy đủ nguồn tin về tội phạm ma túy; chú ý theo dõi nắm bắt các thông tin về tội phạm ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường không gian mạng.
- Đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền phải được thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn.
- Tiến hành mở điểm kiểm sát trực tiếp hoặc kiểm tra cấp dưới hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu chung của Quốc hội và của Ngành giao.
- Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo ban đầu theo đúng quy định, Viện kiểm sát các cấp khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp biết để theo dõi.
2. Trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can
- Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan điều tra ngay từ khi khởi tố. Chú ý những đặc điểm, đặc trưng của nhóm tội phạm về ma túy, để làm tốt một số nội dung sau: tuân thủ về trình tự, thủ tục luật định khi thu thập các tài liệu, chứng cứ, lập biên bản tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh của Cơ quan điều tra.
- Đảm bảo tính hợp pháp, có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ sử dụng để chứng minh tội phạm. Trong các vụ án ma túy, việc giám định là bắt buộc và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vụ án nên Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ nội dung quyết định trưng cầu giám định, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tố tụng Trung ương.
- Nếu kết luận giám định còn có điểm chưa rõ hoặc mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác hoặc phát hiện hoạt động giám định có vi phạm pháp luật thì phải yêu cầu cơ quan giám định giải thích hoặc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; không được tự ý luận giải, cắt xén hoặc lựa chọn những nội dung theo ý chủ quan của mình để làm căn cứ giải quyết vụ án.
- Nếu tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra cung cấp để sử dụng làm căn cứ xét phê chuẩn khởi tố bị can còn chưa đầy đủ, phải yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung và cho - Kiểm sát viên tiếp cận thêm các tài liệu đã thu thập trong hoạt động trinh sát để bổ trợ khi quyết định việc phê chuẩn.
- Trong trường hợp người bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia lấy lời khai để làm rõ các nội dung trong hồ sơ, phục vụ việc đánh giá các tài liệu chứng cứ đã thu thập; nếu thuận lợi thì chủ động tạo điều kiện để luật sư, người bào chữa tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung bị can.
- Viện kiểm sát các cấp chú ý quy định tại khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là hoạt động bắt buộc phải được thực hiện khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nếu không thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Do vậy, phải yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện ghi âm 100% các vụ án, nếu điều kiện cho phép thì tiến hành ghi hình có âm thanh.
- Kiểm sát chặt chẽ quy định về thẩm quyền điều tra theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu thấy vụ án đang điều tra không thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra cùng cấp làm các thủ tục đề nghị Viện kiểm sát ra Quyết định chuyển vụ án đến đúng Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát chủ động ra quyết định chuyển vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự.
3. Trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam
- Viện kiểm sát các cấp kiểm sát chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, thời hạn khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam của Cơ quan điều tra; khắc phục tình trạng lạm dụng việc bắt, giữ, nhất là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
- Đối với tội phạm ma túy, khi Cơ quan chức năng phá án bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, ngoài đối tượng chính còn có một số người khác cũng có mặt tại nơi phát hiện tội phạm, xét thấy cần phải tạm giữ để làm rõ có liên quan đến vụ án hay không.
- Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương xác minh làm rõ mối quan hệ giữa họ với đối tượng chính, về nhân thân, về ý thức chủ quan và các hành vi liên quan đến tội phạm về ma túy để phân loại xử lý kịp thời không bỏ lọt tội phạm, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ bắt, tạm giữ về hình sự nhưng sau đó không thể chuyển khởi tố bị can xử lý theo pháp luật hình sự.
4. Trong giai đoạn điều tra, truy tố các vụ án hình sự về ma túy
- Viện kiểm sát các cấp phân công Kiểm sát viên thụ lý nghiên cứu hồ sơ đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án, mỗi vụ án phải ban hành ít nhất 01 yêu cầu điều tra, đây là yêu cầu bắt buộc.
- Khi thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần chú ý yêu cầu Cơ quan điều tra không chỉ tập trung duy nhất vào việc làm rõ hành vi phạm tội của bị can mà phải chú ý đến việc xác minh, làm rõ nguồn tài sản bị can sử dụng vào việc phạm tội, nguồn tài sản bị can có được từ kết quả thực hiện hành vi phạm tội để xử lý theo quy định và xác minh tài sản của bị can đang sở hữu (cả sở hữu chung và sở hữu riêng) để làm căn cứ đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự đối với tội phạm về ma túy, yêu cầu kê biên hoặc tạm giữ tài sản để đảm bảo cho công tác thi hành án sau này. Chấp hành nghiêm chỉnh việc xây dựng, sắp xếp hồ sơ kiểm sát, thực hiện đóng dấu bút lục và sao lưu tài liệu theo đúng quy định.
- Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can hoặc trực tiếp thực hiện hỏi cung bị can ít nhất một lần trên một bị can; đặc biệt lưu ý trường hợp bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo việc Điều tra viên vi phạm pháp luật, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội.
- Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội; kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đảm bảo quyền của bị can trong tố tụng hình sự như việc được giải thích quyền và nghĩa vụ, quyền được thuê hoặc chỉ định luật sư bào chữa, quyền im lặng, ...
- Trước khi vụ án kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ, kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót để khắc phục, tránh để chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát mới phát hiện vi phạm, thiếu sót phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
- Đối với các vụ án Viện kiểm sát cấp dưới hết thẩm quyền gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can phải đề nghị Viện kiểm sát cấp trên quyết định gia hạn điều tra và gia hạn tạm giam. Viện kiểm sát đề nghị gia hạn phải có văn bản đề nghị và hồ sơ vụ án tại Viện kiểm sát cấp trên trước thời điểm hết hạn ít nhất là 10 ngày.
- Khi vụ án kết thúc điều tra đề nghị truy tố, Kiểm sát viên tiếp tục nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, thực hiện trích cứu hồ sơ hoặc số hóa hồ sơ, xây dựng báo cáo tổng hợp, đánh giá phân tích các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tiến hành phúc cung, nhất là các trường hợp bị can không nhận tội, thay đổi lời khai hoặc lời khai vẫn còn mâu thuẫn mà chưa được làm rõ, trường hợp thuận lợi, cần có luật sư (nếu có) cùng tham gia khi tiến hành hỏi cung; tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất, dự thảo cáo trạng truy tố; việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội và đúng trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
5. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy
- Viện kiểm sát các cấp thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, chủ động trong xét hỏi và tranh luận với luật sư, bị cáo; tham gia tranh tụng đến cùng nhằm bảo vệ quan điểm truy tố trong cáo trạng.
- Đối với những vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, trước thời điểm kết thúc điều tra 02 tháng, Viện kiểm sát thụ lý phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát có thẩm quyền được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đề nghị cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ; Viện kiểm sát cấp dưới kịp thời cử Kiểm sát viên dự kiến phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa tham gia nghiên cứu vụ án ngay trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc điều tra để chủ động xây dựng đề cương xét hỏi, luận tội khi được phân công giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án.
- Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ những vấn đề liên quan. Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp tốt với Điều tra viên để chuẩn bị nội dung cần cung cấp cho tòa.
- Thông qua công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết án ma túy, Viện kiểm sát các cấp kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa, phiên dịch, giám định tư pháp, xác minh thu giữ và xử lý tiền, tài sản do phạm tội mà có,... để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục. Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để kịp thời ban hành kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm. Viện kiểm sát các cấp khi ban hành kết luận, kiến nghị hoặc kháng nghị phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp biết để theo dõi.
6. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp
- Tiến hành phân loại, thụ lý giải quyết đơn theo đúng trình tự, thẩm quyền và thời hạn quy định. Chú ý những đơn, thư khiếu nại liên quan đến việc giám định khối lượng, hàm lượng, về chất ma túy, về sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác, ... thì phải nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật liên quan; trường hợp cần thiết phải có văn bản tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn trước khi trả lời.
- Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký, nếu có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải chuyển đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
- Với các thông tin được nêu tại điểm báo của Viện kiểm sát cấp trên phải tổ chức kiểm tra nghiên cứu hồ sơ cụ thể và có văn bản báo cáo kết quả giải quyết cho Viện kiểm sát cấp trên theo đúng quy định.
7. Công tác phối hợp
- Viện kiểm sát các cấp thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, thông suốt giữa các cấp kiểm sát. Xây dựng mối quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và các ngành, đơn vị liên quan.
- Qua thực tiễn xử lý các vụ án, vụ việc có liên quan đến ma túy cho thấy Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bộc lộ một số điểm chưa sát với thực tế, hoặc còn có những cách hiểu khác nhau, Viện kiểm sát các cấp cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, thường xuyên trao đổi để có đồng thuận, thu hẹp sự khác biệt về nhận thức pháp luật phục vụ giải quyết vụ án, vụ việc được thuận lợi.
- Từ khóa:
- Hướng dẫn 13/HD-VKSTC