Trong bài viết này, tác giả trao đổi về những quy định mới và sự bất cập của BLHS năm 2015 đối với hành vi “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” được quy định tại Điều 126 và Điều 136 BLHS năm 2015.
Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, ngoài quy định mới có lợi cho người phạm tội và khắc phục được những hạn chế, thiếu sót mà BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009 (gọi tắt là BLHS 1999). Thì bên cạnh đó việc áp dụng BLHS năm vẫn còn một số bất cập trong thực tiễn áp dụng.
Bộ luật hình sự 1999 quy định:
Điều 96. Tội giết người do vựơt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.
Điều 106. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:
Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Ảnh minh họa
Từ các quy định trên, có thể thấy:
- So sánh với quy định tại Điều 96 và Điều 106 của BLHS 1999 thì BLHS 2015 quy định hai điều luật trên là điều luật ghép và cùng quy định thêm hành vi “vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội”.
- So với Điều 106 BLHS năm 1999 thì Điều 136 BLHS năm 2015 có một số quy định mới:
+ Tại Điều 106 quy định 2 khoản thì Điều 136 đã tách ra làm 3 khoản quy định chi tiết và cụ thể.
+ Điều 106 quy định có 3 hình phạt là: cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và phạt tù; thì tại Điều 136 quy định cũng có 3 hình phạt là: phạt tiền, cải tạo không giam giữ và phạt tù. Như vậy, BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt cảnh cáo thay bằng hình phạt tiền. Việc áp dụng hình phạt tiền là việc tước đi những quyền lợi về vật chất của người bị kết án, tác động đến tình trạng tài sản của họ và thông qua đó tác động đến ý thức của người phạm tội. Các mức độ phạt tiền cao thấp khác nhau cũng gây ra khả năng tác động khác nhau đến ý thức của họ. Với mục đích phòng ngừa riêng và chung của hình phạt sẽ đạt được thông qua việc áp dụng hình phạt này để hạn chế tình hình tội phạm. Vì phạt tiền là hình phạt nặng hơn, mang tính chất nghiêm khắc hơn đối với hình phạt cảnh cáo.
- Sự bất hợp lý trong quy định khung hình phạt tại Điều 126 và Điều 136 BLHS năm 2015. Qua nghiên cứu điều luật và thực tiễn áp dụng tại địa phương đối với cùng hành vi phạm tội là “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” thì các nhà làm luật đã vô hình chung quy định hành vi “giết người” có khung hình phạt tù “từ 03 tháng đến 02 năm” lại nhẹ hơn so với khung hình phạt tù“từ 01 năm đến 03 năm” đối với hành vi “cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác”. Có nghĩa là khung hình phạt của “cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác” nặng hơn khung hình phạt của hành vi “giết người” trong trường hợp “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
Thiết nghĩ để việc áp dụng pháp luật hình sự đạt được hiệu quả, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ lọt tội phạm, các cơ quan tư pháp Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng một cách thống nhất. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 về khung hình phạt tù của Điều 126 và Điều 136 BLHS năm 2015 cho phù hợp quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm trong thực tiễn.
Lê Quang Khải - VKSND thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa
Nguồn: Kiểm sát
- Từ khóa:
- Bộ Luật Hình sự 2015