Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.
Hiện tại, theo quy định hiện hành tại Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP không cho phép hưởng án treo đối với trường hợp người phạm tội mà hành vi phạm tội gây ra bị dư luận xã hội lên án, đặc biệt là các tội phạm về chức vụ, điều này nhằm phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về án treo vừa được ban hành mới đây đã bãi bỏ quy định nêu trên. Theo đó, từ ngày 01/7/2018, khi xét xử các tội phạm đang chịu sự lên án của xã hội thì Tòa án vẫn có thể áp dụng cho hưởng án treo đối với những đối tượng này nếu họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hưởng án treo như:
-
Bị xử phạt tù không quá 03 năm;
-
Có thân nhân tốt;
-
Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự;
-
Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục;
-
Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
- Từ khóa:
- Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP
- Án treo