Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được quy định như thế nào? - Hoàng Yến (Tiền Giang)

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:

- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

+ Lợi ích phi vật chất.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

+ Có tổ chức;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Cấu thành tội phạm của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

* Khách thể:

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xâm phạm hoạt động của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã tác động đến người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa lợi ích vật chất. 

Việc làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của người có chức vụ, quyền hạn hoặc làm một việc không được phép làm xâm phạm đến hoạt động chung của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đồng thời gây thiệt hại đến uy tín của cơ quan, tổ chức này.

* Mặt khách quan

Người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên; trong trường hợp giá trị dưới 2 triệu đồng thì phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

Hành vi của người có chức vụ, quyền hạn dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. 

Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội danh này với tội nhận hối lộ. Nếu như trong tội nhận hối lộ, người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì trong tội này, người có chức vụ, quyền hạn lại dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy, tác động người có chức vụ, quyền hạn khác để người này làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong thực tế, người có ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn thường là người có chức vụ cao hơn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có ảnh hưởng chỉ là người có chức vụ, quyền hạn tương đương hoặc thậm chí thấp hơn. Điều này không có nghĩa đối với việc định tội.

* Chủ thể:

Chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn.

* Mặt chủ quan:

Động cơ của người phạm tội là động cơ tư lợi. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.

Quốc Đạt

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
8458 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;