Hiện nay, rất nhiều người dân không phân biệt được tố cáo và tố giác dẫn đến việc sử dụng không đúng hai thuật ngữ này, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước khi giải quyết tố cáo, tố giác. Vậy hai khái niệm này khác nhau ở chỗ nào?
Tố cáo và tố giác: Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm
1. Về pháp luật điều chỉnh
Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hai khái niệm này là khác nhau. Theo đó:
- Khái niệm Tố cáo được điều chỉnh bởi Luật Tố cáo 2018: Theo khoản 1 Điều 2 Luật này thì Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
-
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
-
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
- Khái niệm Tố giác được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Theo khoản 1 Điều 144 Bộ luật này thì tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Chủ thể tố cáo, tố giác
- Chủ thể tố cáo: Là cá nhân. Người tố cáo phải có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, trường hợp tố cáo sai sự thật thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự.
- Chủ thể tố giác: Là cá nhân. Người tố giác là người cho rằng có một hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra hoặc có thể xảy ra và quan trọng nhất, là phải "có dấu hiệu của tội phạm". Pháp luật hiện hành cũng đặt ra trách nhiệm của người tố giác đối với nội dung tố giác. Nếu cố ý tố giác sai sự thật thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Đối tượng của tố cáo, tố giác
Điểm khác biệt lớn nhất giữa đối tượng của tố cáo, tố giác đó là tính chất, mức độ của hành vi.
- Hành vi vi phạm pháp luật trong tố cáo nằm trong mọi lĩnh vực, không phân biệt tính chất, mức độ vi phạm.
- Hành vi vi phạm pháp luật trong tố giác có thể cấu thành tội phạm. Hành vi này phải "có dấu hiệu của tội phạm" tương ứng một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ví dụ như chứng kiến được hành vi đánh người gây thương tích thì sử dụng đơn tố giác tội phạm sẽ chính xác hơn.
3. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, tố giác
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo:
-
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.
-
Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác:
-
Cơ quan điều tra;
-
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
-
Viện kiểm sát giải quyết tố giác trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
4. Thời hạn xử lý tố cáo, tố giác
- Thời hạn giải quyết tố cáo: Được quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018, cụ thể:
-
Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
-
Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
-
Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
- Thời hạn giải quyết tố giác: Được quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể:
-
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được việc tố giác, cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
-
Nếu sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh nhiều nơi, thời hạn giải quyết tố giác kéo dài không quá 2 tháng, hoặc Viện Kiểm sát có thể gia hạn một lần (nhưng cũng không quá 2 tháng).
5. Hệ quả pháp lý của tố cáo, tố giác
- Hệ quả pháp lý của tố cáo: Tố cáo là quyền của công dân, tức là mọi người có thể tố cáo cũng có thể không, trong một số trường hợp nếu thấy không cần thiết thì không cần phải tố cáo. Tố cáo chỉ phát sinh quan hệ pháp lý khi công dân trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm. Nếu công dân không tố cáo thì cho dù hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cá nhân khác bị phát giác thì công dân không phải chịu trách nhiệm gì cả.
- Hệ quả pháp lý của tố giác: Đây là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, chính vì thế mà quan hệ pháp lý phát sinh ngay từ thời điểm tội phạm có dấu hiệu xảy ra. Khi công dân biết rõ tội phạm đang đựơc chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về "Tội không tố giác tội phạm" quy định tại Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Trên đây là toàn bộ những thông tin giúp người dân phân biệt được tố cáo và tố giác. Hi vọng người dân có thể nắm được bản chất sự việc để quyết định làm đơn tố cáo hoặc đơn tố giác tội phạm. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo, tố giác có thể tiết kiệm được thời gian khi phân loại đơn, chuyển chính xác đến các cơ quan, cá nhân thẩm quyền để giải quyết, tránh giải quyết nhầm, xảy ra sai sót.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015