Tái chế hàng trăm nghìn bao cao su đã qua sử dụng: Có thể bị xử lý hình sự

Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã bắt quả tang một người phụ nữ đang gia công, tái chế hàng trăm nghìn bao su đã qua sử dụng, không bao bì, không ghi nhãn. Hành vi này có thể bị xử lý hình sự nếu đạt đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

tái chế hàng trăm nghìn bao cao su

Tái chế hàng trăm nghìn bao cao su đã qua sử dụng: Có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa)

1. Tội lừa đảo chiếm đoại tài sản

Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

  • Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

  • Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Theo lời khai nhận của người phụ nữ này thì trung bình một tháng một lần nhận bao cao su đã qua sử dụng từ một người không rõ địa chỉ để về súc rửa, phơi khô, phân loại và dùng dương vật giả để vuốt lại, tạo hình như mới.

Có thể thấy rằng bằng thủ đoạn trên, người phụ nữ này đã lừa dối khách hàng, làm khách hàng lầm tưởng những chiếc bao cao su này là hàng mới chưa qua sử dụng. Đây là thủ đoạn gian dối được quy định trong pháp luật hình sự. Hành vi của người này gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, có thể gây lây lan bệnh tật ra toàn cộng đồng. Và nếu người này thu lợi số tiền trên 2.000.000 đồng thì hành vi này đã cấu thành "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

2. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

Ngoài ra, người phụ nữ này còn khai rằng hàng được gia công sau đó đã được đưa đi tiêu thụ. Trường hợp này có thể hiểu là có một số bao cao su đã lọt ra ngoài thị trường. Người sử dụng những chiếc bao cao su tái chế này có nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục, bởi không thể biết người sử dụng trước đó có bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục hay không. Do đó, sử dụng những bao cao su này sẽ làm gia tăng các nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục như: HIV, giang mai, lậu hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng. Bên cạnh đó những chiếc bao cao su đã tái chế này có thể làm tăng nguy cơ ung thư đường tình dục, bởi những thành phần ngâm hóa chất hoặc có thể cao su biến đổi sẽ giải phóng ra các hóa chất độc hại.

Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

  • Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

  • Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Theo quy định của điểm b, khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì các bệnh truyền nhiễm nhóm B có bệnh HIV/AIDS, nhóm C có bệnh giang mai, bệnh lậu. Đây đều là những bệnh lây lan qua đường tình dục. Chính vì thế, trong trường hợp có hậu quả xảy ra là có người bị nhiễm HIV hay bệnh lậu do sử dụng những chiếc bao cao su này thì hành vi trên có thể được xem là "Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" cấu thành "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Bên cạnh đó, còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, một điểm bất cập hiện nay là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Liệu hành vi tái chế bao cao su đã qua sử dụng có được xem là hành vi gián tiếp làm lây lan các bệnh qua đường tình dục hay không? Do đó, đây vẫn là một vướng mắc trong quy định của pháp luật và khó có khả năng truy tố người có hành vi tái chế bao cao su đã qua sử dụng về tội này.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật Hình sự 2015

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Nguyên Phú

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
959 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;