Tôi muốn hỏi người bị tạm giữ, người bị tạm giam được phân loại như thế nào trong công tác quản lý? - Đình Thi (Tây Ninh)
- Các trường hợp chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam
- Chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam
- Cơ cấu, tổ chức của nhà tạm giữ, trại tạm giam
Phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Hình từ Internet)
1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ai?
- Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021).
- Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi 2021), bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.
(Khoản 1 và 2 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)
2. Phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Cụ thể tại khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:
- Người bị tạm giữ;
- Người bị tạm giam;
- Người dưới 18 tuổi;
- Phụ nữ;
- Người nước ngoài;
- Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm;
- Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;
- Người bị kết án tử hình;
- Người đang chờ chấp hành án phạt tù;
- Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ;
- Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
Trong đó, không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
Đối trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.
Ngoài ra, người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng:
- Người đồng tính, người chuyển giới;
- Người quy định tại các điểm e, i và m khoản 1 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015;
- Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.
(Khoản 2, 3 và 4 Điều 18 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015)
3. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
3.1. Quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, cụ thể như sau:
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
- Được thực hiện quyền bầu cử theo quy định Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định Luật trưng cầu ý dân 2015;
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
3.2. Nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Theo khoản 2 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các nghĩa vụ sau đây:
- Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam;
- Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và pháp luật có liên quan.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- người bị tạm giữ
- người bị tạm giam