Những lưu ý về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự bị cáo dưới 18 tuổi

Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, là những đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là khi họ tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, pháp luật có những quy định riêng về thành phần Hội động xét xử đối với những bị cáo "đặc biệt" này.

Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự bị cáo dưới 18 tuổi

Những lưu ý về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm hình sự bị cáo dưới 18 tuổi (Ảnh minh họa)

1. Về Hội thẩm nhân dân:

Theo quy định của Điều 413 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) thì thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương XXVII (Chương Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi), đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này. Theo đó, thành phần Hội đồng xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo dưới 18 tuổi sẽ được quy định tại khoản 1 Điều 423 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cụ thể là phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi. Nhằm đáp ứng nhu cầu xét xử thực tiễn người chưa thành niên, quy định này đã mở rộng phạm vi đối tượng có thể là thành viên Hội đồng xét xử, đó là những người thấu hiểu, nắm rõ tâm lý của người dưới 18 tuổi (VD: Bác sĩ tâm lý).

Trong trường hợp đặc biệt cần phải bảo vệ bị cáo là người dưới 18 tuổi hay tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng sau này, Hội đồng xét xử có thể quyết định xét xử kín. Không tiến hành xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.

2. Về thẩm phán:

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, thẩm quyền xét xử vụ án hình sự với bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc về Tòa gia đình và người chưa thành niên - là tòa chuyên trách xét xử các vụ án hình sự đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, đối với các Tòa án chưa có điều kiện tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử sẽ do Thẩm phán chuyên trách thực hiện.

Do đó, nếu không có mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên, Hội đồng xét xử phải đảm bảo các điều kiện:

  • Thẩm phán chuyên trách phải là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi;

  • Hội thẩm nhân dân có ít nhất một người là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Tóm lại, người dưới 18 tuổi là đối tượng rất nhạy cảm, rất khó cho hoạt động xét xử có thể diễn ra theo đúng trình tự hoàn thiện. Chính vì vậy, thành phần Hội đồng xét xử phải đáp ứng các yêu cầu nêu trên nhằm hiểu rõ hơn nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội. Qua đó, Hội đồng xét xử đánh giá một cách khách quan nhất tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm để áp dụng mức hình phạt phù hợp.

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Thông tư 02/2018/TT-TANDTC.

Nguyên Phú

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3164 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;