Đây là một trong những nội dung mới được đề xuất tại Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) liên quan đến quy định bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.
Bất kỳ cá nhân nào khi mạnh dạn lên tiếng tố cáo hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân khác thì bản thân người này và gia đình của họ thường có nguy cơ rơi vào vòng nguy hiểm, dễ bị kẻ xấu trả thù, xâm hại. Người tố cáo bên cạnh những quyền lợi được hưởng và những nghĩa vụ phải thực hiện còn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, kể cả tài sản.
Luật tố cáo hiện hành qua hơn 4 năm thực thi áp dụng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, do đó tại Tờ trình xin ý kiến do Thanh tra Chính phủ trình lên Chính phủ, Ban soạn thảo cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo là cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Tại Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung, đáng chú ý là quy định về bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.
Điều 39 Luật tố cáo |
Điều 43 Dự thảo Luật tố cáo sửa đổi |
3. Trường hợp yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an kịp thời áp dụng các biện pháp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ: a) Bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe; b) Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích của họ tại nơi cần thiết; c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật; d) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật.
|
5. Căn cứ vào tính chất, mức độ và khả năng xảy ra trên thực tế của hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người được bảo vệ, cơ quan ra quyết định bảo vệ xem xét, áp dụng các biện pháp sau đây: a) Bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe; b) Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích của họ tại nơi cần thiết; c) Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật; d) Hạn chế phạm vi đi lại, quan hệ giao tiếp, thăm gặp, làm việc, học tập của người được bảo vệ trong một thời hạn nhất định; đ) Di chuyển và giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ; e) Xử lý hành chính hoặc kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi tấn công, xâm hại hoặc đe dọa tấn công, xâm hại; g) Áp dụng các biện pháp hành chính khác nhằm ngăn chặn hành vi tấn công, xâm hại hoặc đe dọa tấn công xâm hại người được bảo vệ; h) Thay đổi tung tích, lai lịch, đặc điểm nhân thân, nhân dạng của người được bảo vệ. Biện pháp này chỉ áp dụng khi có sự đồng ý của người được bảo vệ và hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại là đặc biệt nguy hiểm có liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy hoặc các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác theo quy định của pháp luật hình sự. |
Như vậy, việc áp dụng biện pháp để bảo vệ tín mạng, sức khỏe cho người tố cáo và người thân thích của họ được Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) bổ sung thêm 5 biện pháp nữa (nhằm cụ thể nội dung của quy định “các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật” được nêu tại Luật tố cáo hiện hành).
- Từ khóa:
- Luật Tố cáo 2018