Mới đây, Công an tỉnh Long An đã bước đầu xác minh "Tịnh thất Bồng Lai" không phải nơi nuôi trẻ em cơ nhỡ như tự giới thiệu. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi. Vậy theo quy định pháp luật, hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào?
Lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi: Xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)
Theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
Cụ thể, theo Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì các hành vi liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng bị cấm thực hiện gồm:
- Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
- Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
-
Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
-
Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
-
Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
-
Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
- Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Như vậy, hành vi lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người của "Tịnh Thất Bồng Lai" đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng và cần bị xử lý nghiêm.
1. Về xử phạt vi phạm hành chính
Theo điểm g, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức nào có hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000. đồng đến 3.000.000 đồng.
2. Về trách nhiệm hình sự
Nếu hành vi vi phạm quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đặc biệt, nếu hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, nếu những cá nhân tại cơ sở "Tịnh Thất Bồng Lai" có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối, lợi dụng lòng tốt của người dân để chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016;
Nguyên Phú