Không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có bị xử lý Hình sự?

Thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang của mỗi công dân. Người có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự có thể đối mặt với các chế tài xử lý khác nhau, trong đó có thể bị phạt tù đến 05 năm. Tuy nhiên, nếu người đó chỉ không chấp hành lệnh gọi đi khám sức khỏe thôi thì có bị xử lý hình sự?

Không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có bị xử lý Hình sự?

Không đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự có bị xử lý hình sự? (Ảnh minh họa)

Pháp luật hình sự quy định xử lý việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự ra sao?

Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự như sau:

“Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Theo cấu thành tội phạm của tội danh này thì một người được coi là phạm Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự khi thực hiện 01 trong 03 hành vi:

(1) Không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự;

(2) Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ;

(3) Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện.

Trong đó, không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi của người thuộc đối tượng phải đăng ký nghĩa vụ quân sự nhưng không thực hiện đăng ký hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.

Hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự khi có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi giao nhận quân nhưng lại bỏ trốn. Thời điểm được coi là có lệnh nhập ngũ là thời điểm người đó nhận được lệnh gọi nhập ngũ của Chỉ huy trưởng BCH quân sự cấp huyện.

Còn hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là hành vi người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 phải thực hiện việc tập trung huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về, trốn tránh việc thực hiện chương trình huấn luyện.

Như vậy, từ những phân tích trên, có thể thấy hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không phải là hành vi cấu thành cơ bản của Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự tại Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Nhưng không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe cũng tương đương với không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Thật vậy, việc không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là 01 trong 04 hành vi được xem là trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự theo khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, bao gồm:

(i) Không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;

(ii) Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

(iii) Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ;

(iv) Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Xem xét đến các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự cũng như các quy định khác trong Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì đăng ký nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hai hoạt động độc lập, tách biệt với nhau.

Cùng với đó, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe là việc “thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi làm NVQS đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện thực hiện”.

Đồng thời, qua thực tiễn hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự, gọi nhập ngũ hằng năm thì khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hoạt động tiếp theo của việc đăng ký nghĩa vụ quân sự; trên cơ sở kết quả khám sức khỏe của từng công dân, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra lệnh gọi công dân đó nhập ngũ nếu cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn khác về độ tuổi, chính trị, văn hóa.

Như vậy, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là bước chuyển tiếp giữa hoạt động đăng ký nghĩa vụ quân sự và hoạt động nhập ngũ, nếu không thực hiện khám sức khỏe thì không thể nhập ngũ được. Hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe xâm hại đến hoạt động của cơ quan nhà nước trong quản lý hành chính về thực hiện nghĩa vụ quân sự với tính chất, mức độ tương tự hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự, lệnh gọi nhập ngũ.

Vậy có được xử lý hình sự đối với hành vi cố tình trốn tránh lệnh gọi khám sức khỏe này không?

Đối chiếu với những quy định cụ thể như đã phân tích trên đây, Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành đã “không quy định về” hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, do đó không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”. Nội dung này cũng được nêu ra và giải đáp trong mục 11 phần I Công văn 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự.

Như vậy, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, có thể khẳng định người trốn tránh lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Đây có thể coi là điểm chưa hoàn thiện trong quy định pháp luật của Điều 332 Bộ luật Hình sự hiện hành, và cần phải được sửa đổi, bổ sung trong thời gian sắp tới để tăng cường tính răn đe đối với người vi phạm cố tình trốn tránh việc khám sức khỏe nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1825 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;