Hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

Xin hỏi pháp luật quy định về rửa tiền như thế nào và các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền cụ thể ra sao? - Huy Hoàng (Thanh Hóa)

Rửa tiền là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 giải thích rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

Căn cứ Điều 7 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 thì định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.

Các Bộ, ngành có trách nhiệm sau đây:

- Phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ Bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định;

- Cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.

Hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

Hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (Hình từ internet)

Các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền

Căn cứ Điều 4 Nghị định 19/2023/NĐ-CP thì tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền; tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền và tiêu chí hậu quả rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực.

Tiêu chí nguy cơ rửa tiền bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ tội phạm nguồn của tội rửa tiền và tiêu chí nguy cơ rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực, cụ thể như sau:

- Tiêu chí nguy cơ rửa tiền từ tội phạm nguồn của tội rửa tiền bao gồm nguy cơ rửa tiền từ từng tội phạm nguồn trong nước và xuyên quốc gia được đánh giá;

- Tiêu chí nguy cơ rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực bao gồm nguy cơ rửa tiền từ từng ngành, lĩnh vực trong nước và xuyên quốc gia được đánh giá.

Tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền bao gồm tính toàn diện của khuôn khổ pháp lý và tính hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật, cụ thể như sau:

- Tiêu chí tính toàn diện của khuôn khổ pháp lý bao gồm tính đầy đủ của các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống rửa tiền của quốc gia và của ngành, lĩnh vực;

- Tiêu chí tính hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật bao gồm tính hiệu quả của việc thực hiện quy định pháp luật của quốc gia; của ngành, lĩnh vực và mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền gắn với một số sản phẩm, dịch vụ chính của ngành, lĩnh vực.

Tiêu chí hậu quả của rửa tiền bao gồm:

- Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với nền kinh tế;

- Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với hệ thống tài chính;

- Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với ngành, lĩnh vực;

- Tiêu chí tác động tiêu cực do rửa tiền gây ra đối với xã hội.

Mai Thanh Lợi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1289 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;