Được hưởng án treo nếu có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ, ấn định thời gian thử thách bằng 02 lần mức phạt tù và không cho hưởng án treo đối với tội phạm là người cầm đầu, chỉ huy…là những điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS 2015 về án treo vừa được TANDTC ban hành.
Toàn văn Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn Điều 65 BLHS 2015 về án treo
1. Không cho hưởng án treo đối với tội phạm là người cầm đầu, chỉ huy và bị cáo tại ngoại mà bỏ trốn
Tại Dự thảo quy định 2 trường hợp không được hưởng án treo, bao gồm:
-
Thứ nhất, người phạm tội là người chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội hoặc phạm tội mà dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
-
Thứ hai, bị cáo tại ngoại bỏ trốn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra truy nã.
Đối với trường hợp thứ nhất, người phạm tội vẫn có thể được Tòa án cho hưởng án treo nếu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng án treo, đồng thời phải kết hợp thêm điều kiện là có tình tiết đầu thú, tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác tội phạm, lập công chuộc tội,…
2. Được hưởng án treo nếu có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ
Ngoài điều kiện về mức phạt tù là không quá 03 năm tù và các căn cứ về nhân thân, người phạm tội được hưởng án treo còn phải đáp ứng điều kiện về số tình tiết giảm nhẹ.
Theo đó, phải có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ, trong đó có 01 tình tiết giảm nhẹ thuộc Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 và không có tình tiết tăng nặng tại Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015
Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì số tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng tại Khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 từ 02 tình tiết trở lên.
3. Ấn định thời gian thử thách bằng 02 lần mức phạt tù
Thời hạn thử thách đối với người phạm tội hưởng án treo được xác định bằng 02 lần mức phạt tù. Trường hợp người phạm tội đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian thử thách được xác định bằng cách lấy thời hạn tù trừ đi thời hạn tạm giữ, tạm giam sau đó nhân 2.
Thời gian thử thách = 2 x Mức phạt tù
Thời gian thử thách (khi đã bị tạm giữ, tạm giam) = 2 x (Mức phạt tù – Thời gian tạm giữ, tạm giam)
Thời gian thử thách không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.
4. Được giảm thời gian thử thách tùy theo thời gian được hưởng án treo
Người phạm tội được rút ngắn thời gian thử thách nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định, thời gian được rút ngắn tùy thuộc vào mức án treo.
Đối với người phạm tội được hưởng án treo một năm thì chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ một tháng đến một năm.
Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên.
5. Thời gian đã chấp hành án treo không được tính vào thời gian chấp hành án phạt tù
Đây là quy định được áp dụng đối với trường hợp người được hưởng án treo bắt buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Theo đó, người được hưởng án treo nếu đang trong thời gian thử thách mà cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 Luật Thi hành án hình sự 2010 từ 02 lần trở lên thì buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Thời gian đã chấp hành án treo không được tính vào thời gian chấp hành án phạt tù.
6. Tổng hợp hình phạt khi phát hiện phạm tội mới
Trường hợp người được hưởng án treo bị đưa ra xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo thì Tòa án vẫn có thể cho hưởng án treo nếu:
-
Người phạm tội không thuộc các trường hợp không cho hưởng án treo quy định tại Điều 3 và có đủ điều kiện được hưởng án treo theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS 2015 về án treo;
-
Đồng thời, tổng hợp hình phạt của hai bản án không quá vượt quá 03 năm tù.
Trường hợp người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 BLHS 2015. Nếu người phạm tội đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian bị tạm giữ, tạm được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.