Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến về việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.
Dự thảo Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể hành vi rửa tiền quy định tại Khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung bởi Khoản 122 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
1. Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch ngân hàng, tài chính hoặc giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản:
-
Mở tài khoản và gửi tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài; góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức;
-
Rút tiền bằng bất kỳ hình thức nào bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, trái phiếu, thẻ tín dụng;
-
Thế chấp, quyền thế chấp; cho vay, cho thuê tài chính;
-
Thực hiện chuyển đổi tiền tệ; chuyển tiền hoặc chuyển giá trị; bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng;
-
Giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác; tham gia phát hành chứng khoán;
-
Quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán thanh khoản thay mặt cho các cá nhân, tập thể khác; quản lý hoặc cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác.
Hình minh họa (nguồn internet)
2. Hành vi sử dụng tiền hoặc tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là dùng tiền, tài sản đó để thực hiện thành lập doanh nghiệp, kinh doanh, làm dịch vụ, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản bằng các hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo.
3. Hành vi che giấu thông tin quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là các hoạt động với ý định lừa dối người khác về nguồn gốc, bản chất thực sự hoặc địa điểm, sắp xếp, dịch chuyển, các quyền hoặc quyền sở hữu tài sản với hiểu biết rằng tài sản có nguồn gốc từ tội phạm.
4. Hành vi cản trở việc xác minh thông tin quy định tại điểm c khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là việc cố ý gây khó khăn, trở ngại cho việc tiến hành làm rõ về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền hoặc tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có.
Ngoài ra, tại Dự thảo Nghị quyết trên còn hướng dẫn cụ thể các tình tiết định khung hình phạt là lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 2 lần trở lên; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia...
Xem chi tiết tại Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.