Giá trị pháp lý của bản kết luận giám định

Theo quy định của pháp luật hiện hành, kết luận giám định chỉ trở thành chứng cứ chứng minh trước tòa khi kết luận đó phát sinh từ hoạt động giám định tư pháp. Đối với những kết luận giám định phát sinh không từ hoạt động giám định tư pháp, mặc dù đều do cùng một cơ quan giám định thực hiện, sẽ không trở thành chứng cứ chứng minh trước tòa. Phải chăng đã có sự phân biệt không thỏa đáng của pháp luật về vấn đề này?!

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

Theo như quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012, một hoạt động giám định sẽ là hoạt động giám định tư pháp khi hội tụ đầy đủ ba điều kiện sau: (i) Chủ thể tiến hành hoạt động giám định phải là giám định viên tư pháp trong các tổ chức giám định hoặc người giám định tư pháp theo vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm; (ii) Đối tượng cần giám định phải có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, có liên quan đến giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính do cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết; (iii) Chủ thể trưng cầu giám định phải là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc chủ thể yêu cầu giám định là cá nhân trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng từ chối bằng văn bản về việc yêu cầu giám định của họ.

Như vậy, nếu một hoạt động giám định nào đó chỉ thiếu một trong ba điều kiện nêu trên thì hoạt động giám định đó không phải là hoạt động giám định tư pháp.

Trong cùng một cơ quan tiến hành giám định, việc xác định một hoạt động giám định có phải là hoạt động giám đinh tư pháp hay không có ý nghĩa rất quan trọng.

Vì chỉ có kết luận giám định phát sinh trong hoạt động giám định tư pháp mới trở thành nguồn chứng cứ để sử dụng trước tòa. Còn đối với những kết luận giám định không phát sinh trong hoạt động giám định tư pháp thì không có giá trị sử dụng là chứng cứ để chứng minh trước tòa, mà chỉ có giá trị tham khảo. Vậy, vấn đề đặt ra là trong cùng một cơ quan tiến hành giám định thì có gì khác biệt giữa hoạt động giám định tư pháp và hoạt động không phải là hoạt động giám định tư pháp.

Điểm khác biệt duy nhất là ở điều kiện thứ ba, khi cơ quan tiến hành giám định tiếp nhận yêu cầu giám định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng thì hoạt động giám định đó không phải là hoạt động giám định tư pháp, mặc dù hoạt động đó vẫn do giám định viên thực hiện theo cùng một quy trình giám định với những trang thiết bị kỹ thuật không có gì khác so với hoạt động giám định tư pháp.

giám định tư pháp

Hình minh họa (nguồn internet)

Theo quy định tại Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/07/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 85/2013/NĐ-CP), thì hoạt động đó được gọi là “dịch vụ giám định ngoài tố tụng”. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP có quy định: “Tổ chức giám định tư pháp công lập thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức”.

Như vậy, giá trị pháp lý đối với bản kết luận giám định do cùng một tổ chức giám định thực hiện có sự khác nhau. Nếu bản kết luận giám định là sản phẩm của hoạt động giám định tư pháp thì kết luận đó gọi là kết luận giám định tư pháp và có giá trị sử dụng làm chứng cứ chứng minh trước tòa. Nếu kết luận giám định là sản phẩm của hoạt động dịch vụ giám định ngoài tố tụng thì kết luận đó không phải là kết luận giám định tư pháp, không có giá trị sử dụng làm chứng cứ chứng minh trước tòa mà chỉ có giá trị tham khảo.

Tuy nhiên, giá trị khoa học của bản kết luận giám định có sự khác biệt so với giá trị pháp lý của bản kết luận giám định. Giá trị khoa học của bản kết luận giám định theo trình tự thủ tục giám định trong tố tụng hoặc giám định ngoài tố tụng là như nhau, giữa chúng không có sự khác biệt. Vì trình độ chuyên môn của giám định viên và trình độ hiện đại của trang thiết bị kỹ thuật là những yếu tố quyết định giá trị khoa học của kết luận giám định. Giá trị khoa học của kết luận giám định không phụ thuộc vào chủ thể nào trưng cầu, yêu cầu giám định. Một tổ chức giám định được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, thì luôn luôn gây dựng uy tín và tự chịu hậu quả trách nhiệm pháp lý về kết luận giám định của mình, do đó giá trị khoa học của bản kết luận giám định luôn được đảm bảo, hoàn toàn không phụ thuộc vào chủ thể yêu cầu giám định là ai.

Sự chưa trùng khớp giữa giá trị pháp lý và giá trị khoa học của bản kết luận giám định trong hoạt động giám định hiện nay đã gây ra sự lãng phí xã hội rất lớn. Cùng một đối tượng giám định, do cùng một tổ chức giám định thực hiện nhưng kết luận giám định về đối tượng đó lại có giá trị pháp lý khác nhau khi chủ thể yêu cầu giám định khác nhau. Quy định trên dẫn đến tình trạng cơ quan tiến hành tố tụng không sử dụng kết luận giám định trước đó khi các tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định ngoài tố tụng. Khi thụ lý vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng lại tiếp tục ra quyết định trưng cầu giám định về cùng một đối tượng đã được tổ chức, cá nhân giám định trước đó, mặc dù vẫn biết trước kết quả giám định không có gì thay đổi. Sự lãng phí, tốn kém này do chính quy định của pháp luật giám định tư pháp hiện nay gây ra.

Chúng ta đang từng bước xây dựng một nền tư pháp hiện đại, ở đó mọi chủ thể, không phân biệt địa vị pháp lý, đều bình đẳng về việc đưa ra chứng cứ để chứng minh trước tòa. Hiện nay, việc phân biệt giá trị pháp lý của bản kết luận giám định do yếu tố chủ thể yêu cầu giám định quyết định là thực sự chưa thỏa đáng, gây lãng phí lớn cho xã hội, chưa phù hợp với định hướng xây dựng một nền tư pháp hiện đại.

Vì vậy, thiết nghĩ cần phải sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành để mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền yêu cầu giám định. Các kết luận giám định của cùng một tổ chức giám định đều có giá trị pháp lý như nhau, không phân biệt vấn đề được kết luận do cơ quan, tổ chức, cá nhân nào yêu cầu.

Để tiến tới một nền tư pháp hiện đại, công bằng và tiến bộ, thiết nghĩ cần phải sửa đổi những quy định của pháp luật hiện hành về giám định tư pháp. Trước tiên là, sửa đổi Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng cụ thể như sau: Sửa đổi khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề theo yêu cầu của người trưng cầu giám định”.

Nếu khái niệm giám định tư pháp được sửa đổi như trên sẽ khắc phục triệt để những hạn chế gây lãng phí xã hội trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay. Tức là, một hoạt động được coi là giám định tư pháp sẽ không còn phụ thuộc vào chủ thể yêu cầu giám định là ai và không bị bó hẹp trong phạm vi chỉ phục vụ cho hoạt động tố tụng. Mọi pháp nhân, cá nhân đều có quyền sử dụng kết luận giám định để giải quyết những vụ việc có liên quan, những vụ việc chưa cần thiết phải đưa vào vòng tố tụng.

Đồng thời, cần sửa đổi khoản 2 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng:“Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, pháp nhân và cá nhân”. Cần bổ sung pháp nhân và cá nhân có quyền trưng cầu giám định. Tức là, việc trưng cầu giám định sẽ không bị hạn chế đối tượng. Ngoài cơ quan tố tụng ra, mọi pháp nhân, cá nhân đều có quyền trưng cầu giám định để sử dụng kết luận giám định nhằm giải quyết những vụ việc có liên quan khi vụ việc đó chưa đưa vào vòng tố tụng. Nếu vụ việc được đưa vào vòng tố tụng thì cơ quan tiến hành tổ tụng có thể sử dụng kết luận giám định đó để giải quyết vụ án hoặc có thể trưng cầu giám định lại nếu thấy việc trưng cầu giám định trước đó chưa khách quan. Việc mở rộng đối tượng được quyền trưng cầu giám định là rất cần thiết, phù hợp với nền tư pháp hiện đại, ở đó mọi người đều có quyền bình đẳng về đưa ra chứng cứ để chứng minh. Nếu mở rộng diện đối tượng trưng cầu giám định như trên sẽ không còn phân biệt thủ tục giữa “trưng cầu giám định” và “yêu cầu giám định” như hiện nay. Việc xóa bỏ gianh giới, không phân biệt giám định trong tố tụng và giám định ngoài tố tụng có ý nghĩa rất lớn. Khi đó, mọi kết luận giám định của tổ chức giám định tư pháp đều có giá trị pháp lý như nhau, không phân biệt chủ thể yêu cầu giám định là ai.

Giá trị cốt lõi của bản kết luận giám định là giá trị khoa học của bản kết luận đó. Khi có sự tương đồng giữa giá trị khoa học và giá trị pháp lý của bản kết luận giám định thì những rào cản liên quan đến hoạt động giám định sẽ được gỡ bỏ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền ngang nhau khi đưa ra chứng cứ chứng minh trước tòa thông qua bản kết luận giám định. Sửa đổi pháp luật về giám định theo hướng như trên mới thực sự góp phần hướng đến xây dựng một nền tư pháp hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển chung của nền tư pháp nhân loại tiến bộ./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
512 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;