Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án với pháp nhân thương mại sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2020.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Nghị định này, việc kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại chỉ được thực hiện khi đảm bảo các căn cứ, điều kiện sau:
- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đã có biên bản được lập theo quy định tại Điều 5 Nghị định 44/2020/NĐ-CP;
- Pháp nhân thương mại chấp hành án không có tài khoản hoặc số tiền trong tài khoản tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam không đủ để bảo đảm việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp;
- Chỉ được áp dụng kê biên tài sản để đảm bảo việc cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp được quy định tại điểm b, c Khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự.
Theo đó, việc kê biên, sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ có những điểm cần chú ý được quy định chi tiết tại điều 25 Nghị định 44/2020/NĐ-CP như sau:
1. Quyền sở hữu trí tuệ bị kê biên phải thuộc quyền sở hữu của pháp nhân thương mại
Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền ra quyết định kê biên quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của pháp nhân thương mại.
Lưu ý, trong trường hợp pháp nhân thương mại là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên.
2. Cơ quan thi hành án có quyền thu giữ các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của pháp nhân thương mại.
Việc thu giữ những giấy tờ phụ thuộc vào đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.
3. Không được kê biên quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian nhà nước quyết định bắt buộc chuyển giao để đảm bảo quốc phòng, an ninh, dân sinh và lợi ích nhà nước.
4. Quyền sở hữu trí tuệ bị kê biên có thể giao cho cơ quan tổ chức khác sử dụng, khai thác.
Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền quyết định giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phải nộp số tiền thu được sau khi trừ các chi phí cần thiết cho cơ quan thi hành án hình sự để bảo đảm thi hành biện pháp tư pháp.
Trường hợp cần thiết, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền yêu cầu tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp về sở hữu trí tuệ thu và quản lý thu nhập, lợi nhuận từ việc sử dụng, khai thác quyền sở hữu trí tuệ của pháp nhân thương mại.
5. Được phép yêu cầu bên nhận chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ giao nộp khoản tiền chưa thanh toán cho pháp nhân thương mại bị áp dụng biên pháp kê biên để đảm bảo thi hành biện pháp tư pháp.
Áp dụng với trường hợp pháp nhân thương mại đã chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà chưa được thanh toán hoặc mới được thanh toán một phần tiền.
Chi tiết về trình tự, thủ tục thi hành án xem tại Nghị định 44/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/6/2020.
Lan Anh
- Từ khóa:
- Nghị định 44/2020/NĐ-CP