Đây là nội đung đáng chú ý tại Quyết định 2837/QĐ-BCT về Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025 được ban hành ngày 05/11/2020.
Đề xuất sửa đổi bổ sung BLHS về tội vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp (Ảnh minh họa)
Cụ thể, nhằm duy trì các kết quả đã đạt được của Đề án 2018-2020, đồng thời xử lý những vấn đề do yêu cầu thực tế đã đặt ra, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021-2025 (Đề án 2021-2025) để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cơ quan truyền thông cùng tham gia, phối hợp hành động nâng cao hiệu quả quản lý pháp luật kinh doanh tại Quyết định 2837/QĐ-BCT.
Theo đó, nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Đề án 2021-2025, Bộ Công thương đã đề ra 04 giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh đa cấp như sau:
-
Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Thời gian thực hiện: năm 2021-2022);
-
Sửa đổi quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để đảm bảo tính tương thích với quy định về nội dung và đảm bảo tính răn đe (Thời gian thực hiện: năm 2021-2022);
-
Sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Thời gian thực hiện: năm 2021-2022);
-
Nghiên cứu, đánh giá thực thi Điều 217a của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp và đề xuất sửa đổi bổ sung nếu cần thiết (Thời gian thực hiện: năm 2023-2024).
Như vậy, với nhiệm vụ xử lý nghiêm minh đối với hành vi bán hàng đa cấp trái phép, đặc biệt đối với hành vi hoạt động kinh doanh đa cấp không phép nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý kinh doanh đa cấp, Bộ Công thương đưa ra giải pháp nghiên cứu, đánh giá thực thi Điều 217a của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp và đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết. Cụ thể tại 217a Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau:
“Điều 217a. Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp
1. Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 174 và Điều 290 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên;
c) Quy mô mạng lưới người tham gia 100 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Có thể thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, tuy nhiên nếu kinh doanh đa cấp với mục đích lừa đảo và trái với quy định pháp luật thì sẽ gây ra hậu quả rất lớn cho người dân, đặc biệt là sinh viên và người dân nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi. Do đó, với giải pháp sửa đổi, bổ sung tội vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự là hoàn toàn hợp lý và cần thiết, nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phát triển nhanh mạnh, làm tổn hại nặng nề đến quyền và lợi ích của hàng ngàn người dân ở mọi lứa tuổi đặc biệt là sinh viên và người dân nghèo ở vùng nông thôn, vùng núi xa xôi.
Ty Na
- Từ khóa:
- Quyết định 2837/QĐ-BCT
- Kinh doanh đa cấp