Vấn đề bồi thường thiệt hại được đặt ra nhằm mục đích khắc phục hậu quả cho bên bị thiệt hại. Vậy trong vụ án hình sự, nếu đã bồi thường thiệt hại thì có phải đi tù nữa không?
Đã bồi thường thiệt hại thì không cần phải đi tù? (Ảnh minh họa)
1. Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự
Bồi thường thiệt hại được xem xét giải quyết chung trong vụ án hình sự.
Cụ thể như: đòi trả lại tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường giá trị tài sản do bị can, bị cáo chiếm đoạt nhưng bị mất hoặc bị hủy hoại; buộc phải sửa chữa tài sản bị hư hỏng; chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại do tài sản bị chiếm đoạt; đòi bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm…
2. Đã bồi thường thiệt hại vẫn phải đi tù
Trường hợp bồi thường thiệt hại vẫn không được miễn trách nhiệm hình sự
Trước hết điều này phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm đã thực hiện. Đối với tất cả các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì hành vi gây nguy hiểm, thiệt hại cho xã hội là rất lớn nên không thể có chuyện bồi thường là sẽ được miễn hình phạt. Để mang tính răn đe và kiên quyết bài trừ những hành vi trái pháp luật này mà pháp luật không có quy định được miễn trách nhiệm hình sự. Việc bồi thường chỉ là tình tiết giảm nhẹ tội cho người thực hiện hành vi đó.
Trường hợp bồi thường thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Bộ luật Hình sự 2015:
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, không phải loại tội phạm nào như trên cũng có thể được miễn. Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, quy định chỉ khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bên bị hại (hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) đối với khoản 1 của các loại tội phạm như sau:
-
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
-
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;
-
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
-
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
-
Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;
-
Tội hiếp dâm;
-
Tội cưỡng dâm;
-
Tội làm nhục người khác;
-
Tội vu khống;
-
Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp;
Vì thế, để được miễn trách nhiệm hình sự, hai bên nên tiến hành hòa giải, thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại, cam kết không tố cáo (nên lập thành văn bản). Ngoài ra, Điều 155 Luật này còn quy định trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ. Như vậy, sau khi khởi tố vụ án, nếu thỏa thuận được mức bồi thường và hòa giải được, bên vi phạm cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, việc người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý với nguyên tắc xử lý của pháp luật hình sự là khoan hồng với người tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Như vậy, có thể thấy quan niệm đã bồi thường thiệt hại sẽ không phải đi tù nữa là hoàn toàn sai lầm. Tùy từng mức độ của hành vi và việc bị hại có đơn yêu cầu, đề nghị thì người phạm tội sẽ được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự.
Căn cứ pháp lý: