Đây là đề tài đã diễn ra tranh cãi trong một thời gian dài khi khái niệm “chống người thi hành công vụ” còn khá là mơ hồ.
Tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 257 Bộ Luật Hình sự 1999 và Điều 330 Bộ Luật Hình sự 2015, Theo đó:
Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Thế nào là người thi hành công vụ?
Quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, thì “người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.
Như vậy, ta có thể hiểu một cách nôm na “người thi hành công vụ” là người thực hiện việc công, nhân danh nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước. Đặt trường hợp nếu người thi hành “công vụ sai” thì không thể coi rằng đó là người đang nhân danh quyền lực nhà nước được và hành vi cản trở có thể không bị coi là tội chống thi hành công vụ?
Tuy nhiên, việc thi hành công vụ có rất nhiều hình thức, nội dung khác nhau. Có trường hợp, người thi hành công vụ không biết hoặc không thể biết đó là công vụ đúng hay công vụ sai. Ví dụ như đối với những người đang thi hành quyết định cưỡng chế tài sản của tòa án, thì dù cho quyết định cưỡng chế đó đúng hay sai, nếu có người thực hiện hành vi cản trở người đang thi hành công vụ đó, chắc chắn sẽ bị xác định tội danh chống người thi hành công vụ ngay. Rõ ràng, cho dù quyết định trên là sai, nhưng những người thi hành công vụ vẫn đang thực hiện đúng theo quyết định. Nếu nhận được quyết định mà làm trái, sai quyết định thì mới gọi là “công vụ sai”. Lỗi thuộc về chủ thể ban hành quyết định chứ không phải của người thi hành công vụ.
Một trường khác như tổ công an giao thông đang thực hiện một chuyên đề xử lý hành vi vi phạm giao thông trên tuyến đường X. Nội dung công vụ ở đây là việc xử phạt hành vi vi phạm giao thông trên tuyến đường X. Vậy nếu, tổ công an giao thông này, vì một lí do nào đấy, bắt sai tội hoặc thực hiện xử phạt tại địa bàn Y khi đang trên đường tới địa bàn X, thì có thể coi là thực hiện “công vụ sai” được không? Hiển nhiên rằng, nhà nước trao quyền “xử phạt hành vi vi phạm” chứ đâu có giao quyền “xử phạt hành vi không vi phạm”, và khi người thi hành công vụ đang thực hiện một “công vụ sai” thì khó có thể cho rằng người đó đang “nhân danh quyền lực nhà nước” được.
Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật. Điều kiện “thực hiện đúng pháp luật” được duy trì trong điều 113 suốt 98 năm, “sống sót” qua bốn lần chỉnh sửa bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó là:
“Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật”.
Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người chống lại cần bị trừng phạt. Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận, và không thể đơn giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.
Ảnh minh họa.
Thế nào là hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực?
Đây là nội dung quan trọng trong việc cấu thành nên tội danh chống người thi hành công vụ, qua đó:
- Hành vi dùng vũ lực được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỉ lệ thương tật qua giám định) nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, như: đấm, đá, dùng cây đánh, dùng đất, đá ném,...
- Hành vi đe dọa dùng vũ lực là hành vi dùng lời nói hoặc hành động để uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ làm cho họ sợ rằng việc dùng vũ lực sẽ xảy ra ngay tức khắc nhằm mục đích cản trở làm những người thi hành công vụ không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp xảy ra khi người dân chỉ đơn thuần ngăn cản (bằng lời nói hoặc bằng hành động không vũ lực) người thi hành công vụ khi cho rằng đây là “công vụ sai” thì lại bị đe dọa kết tội chống người thi hành công vụ. Điều này đã khiến người dân tỏ ra “sợ sệt” và mặc cho “công vụ sai” được tiếp tục thực hiện.
Khoản 2 Điều 8 bản Hiến Pháp 2013 của Nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có quy định “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân”. Do đó, tại sao phải e ngại, sợ sệt khi đang thực hiện quyền của mình và nên nhớ rằng giá trị pháp lý của Hiến pháp cao hơn Luật.
Như vậy, nẳm rõ quy định pháp luật sẽ tránh được các trường hợp đáng tiếc khi không may bị khép vào tội chống người thi hành công vụ đồng thời có cách cư xử đúng luật khi gặp trường hợp “công vụ sai” và bảo đảm được quyền của mình phù hợp với khuôn khổ pháp luật cho phép.