Tiền bồi thường oan sai lấy từ đâu? Đây là một trong những vấn đề mà dư luận đặt ra nhiều nhất qua một số vụ oan sai như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang),.. và mới đây nhất là vụ hai người dân ở Vĩnh Phúc yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường 38 tỷ đồng.
Tiền bồi thường oan sai lấy từ đâu? - Ảnh minh họa
Nói về bồi thường oan sai, tức là việc nhà nước phải bồi thường cho người dân các tổn thất về vật chất và tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thì theo quy định hiện hành, vấn đề này thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Cụ thể, tại Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định:
1. Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm:
a) Tiền chi trả cho người bị thiệt hại;
b) Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.
2. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.
3. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.
4. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.
Như vậy, từ quy định này, có thể thấy là khi có án oan, nhà nước phải bố trí kinh phí để bồi thường cho người dân dù biết chắc chắn một điều rằng bồi thường kiểu gì cũng bị dư luận lên án.
Tiền bồi thường oan sai được lấy từ ngân sách nhà nước, pháp luật cũng ghi nhận việc hoản trả tiền bồi thường của người thi hành công vụ tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, cụ thể:
Điều 64. Nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ
1. Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
2. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.
Theo quy định này, khi nhà nước bồi thường oan sai cho người dân thì người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại (ví dụ: Điều tra viên, Kiểm sát viên,…) phải có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách một phần hoặc toàn bộ số tiền nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân.
Căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm: Mức độ lỗi của người thi hành công vụ và số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Theo Khoản 2 Điều 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, trường hợp có một người thi hành công vụ gây thiệt hại thì mức hoàn trả được xác định như sau:
a) Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại;
b) Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 đến 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
c) Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 03 đến 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;
d) Trường hợp 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 30 tháng lương quy định tại điểm b khoản này hoặc thấp hơn 03 tháng lương quy định tại điểm c khoản này thì số tiền người thi hành công vụ phải hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì mức hoàn trả của từng người được xác định tương ứng theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 nhưng tổng mức hoàn trả không vượt quá số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Luật cũng quy định đối với trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.
Thu Ba
- Từ khóa:
- Bồi thường án oan