Áp dụng Bộ luật Hình sự trong trường hợp người phạm tội mang hai quốc tịch

Bộ luật Hình sự 2015 quy định về việc áp dụng Bộ luật Hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Áp dụng Bộ luật Hình sự đối với người hai quốc tịch

Theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam như sau:

- Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

- Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”

Theo đó, người phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ được xử lý theo Bộ luật Hình sự của Việt Nam. Do đó, việc có 02 quốc tích và trong đó có một quốc tịch là Việt Nam thì sẽ đương nhiên áp dụng Bộ luật Hình Sự Việt Nam.

Trường hợp người phạm tội thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự sẽ được giải quyết theo điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó. Nếu điều ước quốc tế không có quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì sẽ giải quyết bằng ngoại giao.

Áp dụng Bộ luật Hình sự trong trường hợp người phạm tội mang hai quốc tịch

Dẫn độ người hai quốc tịch phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam

Theo Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án:

- Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

- Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể:

+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án;

+ Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.”

Theo đó, dẫn độ là việc chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự trên lãnh thổ Việt Nam để nước được dẫn độ truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người phạm tội. Cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam sẽ thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực cho nước yêu cầu dẫn độ.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, Cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam phải dẫn độ theo yêu cầu của nước có yêu cầu dẫn độ. Theo điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định:

“Điều 35. Từ chối dẫn độ cho nước ngoài

1. Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam;

…”

Theo đó, một người có hai quốc tịch phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và một trong hai quốc tịch là quốc tịch Việt Nam thì vẫn là công dân Việt Nam. Cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam có quyền từ chối dẫn độ cho nước ngoài theo quy định trên.

Trung Tài

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1468 lượt xem
Liên quan Bài viết
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;