Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định về việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2018. Trong đó, quy định thay đổi nhiều nội dung về định giá tài sản.
1. Quy định chi tiết đối tượng áp dụng
Nghị định 30/2018/NĐ-CP đã dành hẳn một điều luật để quy định về đối tượng áp dụng. Theo đó, các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 30/2018/NĐ-CP gồm có:
-
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có yêu cầu thành lập Hội đồng định giá tài sản;
-
Cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá tài sản;
-
Cơ quan, tổ chức cử người và cá nhân được cử tham gia Hội đồng định giá tài sản;
-
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Có thể định giá dựa trên tài sản tương tự với tài sản cần định giá
Nghị định 26/2005/NĐ-CP chỉ quy định việc định giá phải phù hợp với giá thị trường, trong khi đó tại Điều 4 Nghị định 30/2018/NĐ-CP đã tháo gỡ những vướng mắc do quy định này gây ra.
Cụ thể, ngoài nguyên tắc định giá tài sản theo giá thị trường, Nghị định 30/2018/NĐ-CP chỉ rõ việc định giá còn có thể được thực hiện dựa theo giá trị của tài sản tương tự.
Đồng thời, quy định mới cũng thay đổi xác định giá trị tài sản từ thời điểm và nơi tài sản bị xâm hại thành thời điểm và nơi yêu cầu định giá.
3. Định giá tài sản phải căn cứ vào loại và đặc điểm của tài sản
Khi định giá tài sản phải dựa vào loại tài sản và đặc điểm của tài sản đó, tài sản được định giá gồm có:
-
Tài sản chưa qua sử dụng; tài sản đã qua sử dụng;
-
Tài sản bị hư hỏng, hủy hoại;
-
Tài sản bị mất, thất lạc;
-
Tài sản là hàng giả;
-
Tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường.
4. Được phép tiến hành phiên họp định giá nếu có 2/3 số thành viên tham dự
Theo đó, phiên họp định giá sẽ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự (trước đây phiên họp chỉ được tiến hành khi có đủ số lượng thành viên).
5. Thay đổi nội dung biên bản định giá tài sản
Nội dung biên bán định giá đối với hàng cấm phải bao gồm thêm những hạn chế về việc áp dụng các căn cứ định giá tài sản đối với hàng cấm; về quá trình thực hiện khảo sát giá; thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá là hàng cấm; về phương pháp định giá tài sản và các hạn chế khác.
6. Thêm nhiều nội dung trong hồ sơ định giá tài sản
Theo đó, hồ sơ định giá tài sản sắp tới phải bao gồm cả “Văn bản yêu cầu định giá tài sản” và “Quyết định thành lập Hội đồng định giá”.
Nghị định 30/2018/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 26/2005/NĐ-CP.