Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, chính thức có hiệu lực từ 01/12/2021. Theo đó, có 5 điểm mới cần lưu ý như sau:
- Công an xã có trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo tội phạm
- Đã có Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự
05 điểm mới cần lưu ý tại Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS (Ảnh minh họa)
1. Công an xã có thêm thẩm quyền từ ngày 01/12/2021
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự thì:
Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trước đây, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Như vậy, quy định mới đã cho phép công an xã được tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như công an phường, thị trấn, Đồn Công an.
2. Thêm trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm
Tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung trường hợp cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi hết thời hạn theo quy định như sau:
Không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết trường hợp tạm đình chỉ nêu trên.
Trước đây, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
- Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
- Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.
3. Được khởi tố tội xâm phạm quyền SHCN mà không cần có yêu cầu của bị hại
Theo quy định mới, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Đồng thời, không được khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Như vậy, so với trước đây, từ ngày 01/12/2021, được khởi tố tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu của bị hại.
4. Bổ sung trường hợp tạm đình chỉ điều tra
Tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi:
Không thể kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn điều tra.
5. Bổ sung trường hợp tạm đình chỉ vụ án
Theo quy định mới, Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp:
Khi không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
(Đây là nội dung mới được bổ sung so với trước đây).
Luật số 02/2021/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/12/2021.
Bảo Ngọc