Đây là quy định mới đáng chú ý tại Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Ảnh minh họa
Theo đó, Nghị định này đã sửa đổi quy định về chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu tại UBND xã.
Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 2 Điều 13 Nghị định 115/2013/NĐ-CP về chế độ bảo quản, quản lý tại UBND xã quy định:
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ khi được giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện có trách nhiệm bố trí nơi tạm giữ và thực hiện các biện pháp, yêu cầu theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này để quản lý, bảo quản tài sản được giao, chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện. Nếu tài sản bị mất, hư hỏng do lỗi của mình gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 4 Điều 6 Nghị định 115/2013/NĐ-CP thì:
4. Đối với nơi tạm giữ là trụ sở cơ quan hoặc trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này thì phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp phục vụ cho việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
Như vậy, kể từ ngày 01/05/2020, nếu UBND xã là nơi tạm giữ tang vật thì phải có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn phòng, chống cháy, nổ, bảo đảm khô ráo, thoáng khí; có hệ thống thiết bị chiếu sáng, trang bị phương tiện, thiết bị phù hợp phục vụ cho việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 115/2013/NĐ-CP thì trường hợp UBND xã là nơi tạm giữ chỉ yêu cầu phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường cũng như phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản được giao, chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện.
Có thể thấy, so với Nghị định 115/2013/NĐ-CP thì Nghị định 31/2020/NĐ-CP có yêu cầu cao hơn đối với UBND xã khi tạm giữ tang vật. Việc yêu cầu cao hơn đối với nơi tạm giữ tang vật có ý nghĩa tích cực làm cho tang vật vi phạm được bảo quản tốt hơn, giảm bớt hao mòn trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đối với đơn vị hành chính cấp xã thì không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để tuân thủ quy định của Nghị định 31/2020/NĐ-CP. Do đó, cần xem xét các yếu tố khác trước khi quyết định chọn UBND xã là nơi tạm giữ tang vật.
Xem thêm các nội dung sửa đổi, bổ sung khác của Nghị định 31/2020/NĐ-CP TẠI ĐÂY.
Toàn Trung
- Từ khóa:
- Nghị định 31/2020/NĐ-CP