Từ ngày 16/7/2020, ông bà đi khai sinh cho cháu không cần giấy ủy quyền là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP , thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP .
- 13 điểm mới quan trọng tại Thông tư 04/2020/TT-BTP về hộ tịch
- Hướng dẫn hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài
- Không nhận được kết quả xác minh: Giải quyết yêu cầu ĐK hộ tịch thế nào?
Từ 16/7/2020, ông bà đi khai sinh cho cháu không cần giấy ủy quyền - Ảnh minh họa
Hiện nay, về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch, Điều 2 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định như sau:
Điều 2. Ủy quyền đăng ký hộ tịch
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật hộ tịch được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.
2. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.
Kế thừa quy định này tại Thông tư 15/2015/TT-BTP, Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng quy định việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật, trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.
Bên cạnh đó, Thông tư 04 cũng bổ sung thêm quy định về việc ủy quyền trong trong hợp đăng ký khai sinh cho trẻ, cụ thể:
Điều 2. Việc ủy quyền đăng ký hộ tịch
...
2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.
Như vậy, theo quy định này, kể từ ngày 16/7/2020, ông, bà, người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em đi đăng ký khai sinh cho trẻ thì không cần phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ.
Điều 15. Trách nhiệm đăng ký khai sinh
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Thông tư 04/2020/TT-BTP