Tổng hợp một số điểm mới nổi bật của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân

Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân ((sửa đổi) VKSND) đã được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25/11/2014 gồm 06 chương, 101 điều và được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của VKSND nhằm thể chế Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu cải cách tư pháp.

Nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, là cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân đồng thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động thực tiễn, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 đã thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Luật xác định rõ các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân. Điều 3 và Điều 4 quy định rõ các chức năng cơ bản của VKSND là: chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.

Để hiểu đúng và thống nhất các quy định của pháp luật, Luật Tổ chức VKSND xác định rõ phạm trù của “thực hành quyền công tố” và “kiểm sát hoạt động tư pháp”. Theo đó, thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Kiểm sát hoạt động tư pháp làhoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp 2013 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND như nguyên tắc suy đoán vô tội, tranh tụng trong xét xử, nhờ người bào chữa, xét xử kịp thời, xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp… Theo đó, Điều 3 và Mục 1 của Luật đã quy định rõ vai trò của công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

Luật Tổ chức VKSND đã làm rõ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành (Điều 7); xác định rõ vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Luật Tổ chức VKSND cũng điều chỉnh quy định về vai trò của Ủy ban kiểm sát bảo đảm phù hợp với thẩm quyền và trách nhiệm tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp (Điều 43);

Điều 10 của Luật quy định về chủ thể thực hiện quyền giám sát hoạt động của VKSND, theo đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận sẽ thực hiện quyền này.

Về chức năng, nhiệm vụ, Luật đã quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế; quy định về các công tác khác Viện kiểm sát nhân dân đang thực hiện mà chưa được Luật quy định, như: Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp; thống kê tội phạm, thống kê hình sự; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; thông tin, tuyên truyền, pháp luật; quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.

Về tổ chức bộ máy và các chức danh tư pháp, Viện Kiểm sát được tổ chức trong một hệ thống thống nhất, bao gồm hệ thống VKSND và VKS quân sự, Điều 40 của Luật quy định hệ thống Viện kiểm sát nhân dân gồm 4 cấp như Kết luận 79-KL/TW, gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh); Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện) và Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 58 của Luật quy định các chức danh tư pháp trong VKSND, Luật cũng quy định rõ các tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên, bổ nhiệm Kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt và nhiệm kỳ của Kiểm sát viên (Mục 3, Chương IV). Theo đó, Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm. Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch, thời hạn là 10 năm.

Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/6/2015.

Nguồn: Trang thông tin điện tử Bộ Tư Pháp

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
475 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;