Hướng dẫn đăng ký khai tử cho người đã chết từ lâu – Đây là một trong những nội dung mới quan trọng tại Thông tư 04/2020/TT-BTP thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 23/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/7/2020.
- Thông tư 04/2020/TT-BTP: Quy định về giá trị Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Mẫu giấy tờ, Sổ hộ tịch ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP
Thông tư 04/2020/TT-BTP: Hướng dẫn đăng ký khai tử cho người đã chết từ lâu - Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Điều 13, Thông tư 04/2020/TT-BTP việc đăng ký khai tử được thực hiện theo quy định tại Mục 7 Chương II Luật hộ tịch và hướng dẫn sau đây:
- Trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
- Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định nêu trên hoặc giấy tờ, tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không bảo đảm giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.
Hiện nay, Thông tư 15/2015/TT-BTP không quy định về nội dung này.
Trong đó, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về Giấy báo tử và giấy tờ thay thế báo tử như sau:
Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
...
2. Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;
d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
Bên cạnh điểm mới này, Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng đã bãi bỏ một số chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được quy định trước đó tại Thông tư 15/2015/TT-BTP, cụ thể, Thông tư 04/2020/TT-BTP đã bỏ quy định chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con có thể là thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Theo đó, trường hợp không có văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Thông tư 04/2020/TT-BTP