Trước những thay đổi rõ rệt về tình hình dân số và kinh tế - xã hội hiện nay Pháp lệnh dân số dường như không còn phù hợp để điều chỉnh những vấn đề dân số nữa. Do đó đòi hỏi phải đưa ra một đề án Luật Dân số để giải quyết những vấn đề dân số phù hợp với tình hình hiện tại. Hiện nay, Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật dân số, Chính phủ cũng đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự án Luật này.
Pháp lệnh dân số 2003 sau hơn 13 năm thực hiện đã có những tác động tích cực và cũng đã bộc lộ nhiều những hạn chế, tiêu cực trong công tác dân số và quản lý nhà nước về dân số như:
- Nhiều quy định của Pháp lệnh dân số còn nặng tính nguyên tắc, chung chung, thiếu cụ thể, không có chế tài xử lý và tính khả thi còn hạn chế, nên khó áp dụng được trong thực tiễn.
- Thiếu quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của cặp vợ chồng, cá nhân, gia đình trong việc thực hiện các mục tiêu dân số; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp cụ thể của công tác dân số.
- Thiếu quy định nội dung, yêu cầu, điều kiện điều chỉnh các vấn đề dân số, nên còn tình trạng chạy theo thành tích trước mắt, không bảo đảm cho sự phát triển bền vững về dân số và kinh tế - xã hội, không phù hợp với xu hướng vận động của dân số trong tương lai.
- Thiếu quy định cụ thể về biện pháp ưu tiên, mức ưu tiên đối với người nghèo, người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn trong sử dụng các dịch vụ dân số; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp của công tác dân số.
Bên cạnh những tồn đọng được nêu ở trên, Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật dân số cho rằng những quy định tại các văn bản pháp luật chuyên sâu ban hành sau Pháp lệnh dân số đôi khi còn thiếu tính thống nhất. Cụ thể như:
- Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định mang tính chất lựa chọn về số con cho mỗi cặp vợ chồng (Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ một đến hai con” - Điều 43) thì Pháp lệnh dân số sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh dân số 2003 lại có quy định mang tính chất bắt buộc về số con cho mỗi cặp vợ chồng, cá nhân (“Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” Khoản 2 Điều 1).
- Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 có quy định phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, tuy nhiên Pháp lệnh dân số 2003 lại nghiêm cấm phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
Thể hiện rõ ràng nhất chính là những thay đổi khác biệt của các vấn đề dân số:
- Chuyển từ mục tiêu giảm sinh sang mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý;
- Mức sinh có chênh lệch bất lợi giữa các vùng, tỉnh, thành phố;
- Vô sinh có xu hướng gia tăng, các biện pháp can thiệp chưa hiệu quả;
- Mất cân bằng giới tính khi sinh bước vào mức cao;
- Già hóa dân số với tốc độ nhanh, đòi hỏi sự thích ứng của xã hội;
- Cơ cấu dân số vàng và yêu cầu khai thác để phát triển.;
- Tình trạng di dân diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi sự phân bố dân số;
- Chất lượng dân số thấp.;
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của nước ta diễn ra nhanh hơn nhiều so với thời kỳ trước đó, sự phát triển về kinh tế - xã hội tác động mạnh mẽ tới các vấn đề trong xã hội, trong đó là vấn đề dân số chiếm một phần quan trọng, dân số thay đổi thì đòi hỏi những quy định của pháp luật về dân số cũng phải thay đổi theo để phù hợp với sự vận động của xã hội.
Pháp lệnh dân số hiện hành một phần đã tạo nên khung pháp lý trong công tác quản lý dân số của nước ta, song yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần phải có khung pháp lý ở cấp độ luật để điều chỉnh các vấn đề dân số. Luật dân số đảm bảo quyền con người và quyền sinh sản theo quy định của Hiến pháp 2013; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với công tác dân số, khắc phục được những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành trong những năm qua, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra khi tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành Pháp lệnh dân số, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các vấn đề dân số và bảo đảm các quy định về dân số phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Trên đây là toàn bộ nội dung được nêu tại Dự thảo Tờ trình Đề nghị xây dựng dự án Luật dân số. Dự kiến Đề cương Luật dân số gồm 8 chương, 56 điều. Trong đó:
- Chương I: Quy định chung (Điều 1 đến Điều 9);
- Chương II: Quy mô dân số (Điều 10 đến Điều 23);
- Chương III: Cơ cấu dân số và khai thác, thích ứng với quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số (Từ Điều 24 đến Điều 30);
- Chương IV: Chất lượng dân số (Điều 31 đến Điều 40);
- Chương V: Phân bổ dân số (Điều 41 đến Điều 44);
- Chương VI: Lồng ghép các vấn đề dân số trong phát triển kinh tế- xã hội (Điều 45 đến Điều 48);
- Chương VII: Tổ chức thực hiện các biện pháp của công tác dân số (Điều 49 đến Điều 54);
- Chương VIII: Điều khoản thi hành (Điều 55 đến Điều 56).