STP Hải Dương hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt VPHC về phòng, chống Covid-19

Ngày 29/01/2021, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã có Công văn 107/STP-XDKT&TDTHPL về việc xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19.

hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt VPHC về phòng, chống COVID-19

STP Hải Dương hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt VPHC về phòng, chống COVID-19 (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Mục II Công văn 107/STP-XDKT&TDTHPL, Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đã hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống Covid-19. Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống Covid-19 được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

1. Lập Biên bản VPHC:

*** Về thẩm quyền lập biên bản VPHC:

Người có thẩm quyền lập biên bản VPHC theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 7 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP), bao gồm:

- Người có thẩm quyền xử phạt;

- Công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh được giao.

Lưu ý: Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản VPHC được quy định cụ thể tại các Nghị định xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Việc xử phạt VPHC không lập biên bản (theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Xử lý VPHC): được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt VPHC tại chỗ.

Quyết định xử phạt VPHC tại chỗ được thực hiện theo mẫu biểu MQD01 ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP đối với Chủ tịch UBND các cấp (trường hợp Thông tư của Bộ, ngành thuộc người có thẩm quyền xử phạt VPHC có quy định thì sử dụng mẫu biểu riêng).

*** Khi lập biên bản VPHC cần thực hiện theo các nội dung sau:

Về thủ tục, nội dung lập biên bản VPHC:

- Biên bản VPHC phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn VPHC và bảo đảm việc xử lý tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc gia đình của người vi phạm; nếu có người chứng kiến thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về VPHC của người vi phạm hoặc đại diện gia đình của người vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình (nếu có).

Trường hợp người vi phạm, đại diện gia đình người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc có tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến;

- Một hành vi VPHC chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC trong cùng một vụ vi phạm, thì biên bản VPHC phải ghi rõ từng hành vi vi phạm;

Trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt, vẫn cố ý thực hiện hành vi vi phạm đó, thì người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC phù hợp để chấm dứt hành vi vi phạm. Khi ra quyết định xử phạt đối với hành vi đó, người có thẩm quyền xử phạt có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại điểm i khoản I Điều 10 Luật Xử lý VPHC hoặc xử phạt đối với hành vi không thực hiện yêu cầu, mệnh lệnh của người có thẩm quyền xử phạt và xử phạt đối với hành vi vi phạm đã lập biên bản nhưng chưa ra quyết định xử phạt.

Trường hợp hành vi vi phạm đã bị ra quyết định xử phạt nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thi hành hoặc đang thi hành quyết định mà sau đó vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm đó, thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới;

- Biên bản VPHC phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ, nếu có người chứng kiến, hoặc đại diện gia đình thì họ cũng phải ký vào biên bản, trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định (tham gia việc lập biên bản) phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện gia đình người vi phạm, người chứng kiến từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản;

- Biên bản VPHC lập xong phải giao cho cá nhân, đại diện gia đình người vi phạm 01 bản; trường hợp VPHC không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.

Trường hợp người chưa thành niên VPHC (chưa đủ 18 tuổi) thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người vi phạm;

Mẫu biểu: Sử dụng đúng mẫu biểu MBB01 ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP (trừ trường hợp Thông tư của Bộ, ngành thuộc người có thẩm quyền lập biên bản VPHC có quy định mẫu biểu riêng).

2. Xác minh tình tiết phức tạp của vụ việc VPHC:

- Hoạt động này thể hiện trước hoặc sau khi lập biên bản VPHC và có thể được thực hiện cùng với các trình tự, thủ tục xử phạt tiếp theo cho đến khi ra quyết định xử phạt.

- Đối với những trường hợp có tình tiết phức tạp , trước khi ra quyết định xử phạt người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh có hay không hành vi VPHC xảy ra trên thực tế, lỗi, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ...

- Quá trình xác minh phải thể hiện bằng văn bản để đảm bảo tính khách quan, chính xác các tình tiết phức tạp của vụ việc vi phạm.

3. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính (nếu có): thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý VPHC.

4. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự và chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt VPHC:

- Trong quá trình xem xét vụ việc , người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm đánh giá đúng mức độ , tính chất của vụ việc vi phạm ; nếu trường hợp vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng thì phải chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền hoặc ngược lại.

- Trình tự, thủ tục, thời hạn xem xét, chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt và cơ quan tố tụng được thực hiện theo quy định tại Điều 62, Điều 63 của Luật Xử lý VPHC.

Lưu ý: Chấp hành đúng các quy định về thời hiệu xử lý VPHC, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng vi phạm, tránh bỏ lọt tội phạm. Thời hạn ban hành quyết định xử phạt trong trường hợp này là 30 ngày hoặc tối đa 45 ngày.

5. Ra quyết định xử phạt VPHC:

- Thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày kể từ ngày lập biên bản VPHC. Trường hợp phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 60 ngày (nhưng phải có văn bản gia hạn theo Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý VPHC).

- Trường hợp ban hành 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt trong vụ việc có nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi VPHC và trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì quyết định phải thể hiện rõ hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.

- Xác định mức tiền phạt trong các trường hợp cụ thể:

+ Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi VPHC không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vị đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng trung bình giữa mức tối đa của khung tiền phạt và mức tối thiểu của khung tiền phạt.

+ Đối với hành vi VPHC có tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 9 Luật Xử lý VPHC thì mức tiền phạt có thể được giảm xuống thấp hơn so với mức trung bình của khung hình phạt nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung hình phạt đó; nếu có tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 10 Luật Xử lý VPHC thì mức tiền phạt có thể tăng trên mức trung bình của khung hình phạt nhưng không được cao hơn mức tối đa của khung hình phạt đó.

+ Đối với hành vị VPHC vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì xem xét theo nguyên tắc giảm trừ, cứ một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ, nếu không còn tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thi xác định mức tiền phạt theo quy định tại điểm 1 của nội dung này, trường hợp còn tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì xác định mức tiền phạt theo quy định tại điểm 2 của nội dung này.

- Thời hạn thi hành quyết định xử phạt là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, trừ trường hợp thời gian nhiều hơn được ghi trong quyết định.

- Một số nội dung lưu ý khi ban hành quyết định xử phạt VPHC:

+ Sử dụng đúng mẫu biểu MQĐ02 ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐCP (trừ trường hợp Thông tư của Bộ, ngành thuộc người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt có quy định thi sử dụng mẫu biểu riêng).

+ Trường hợp cấp phó ký quyết định thì phải ghi rõ văn bản ủy quyền.

+ Ngày có hiệu lực của quyết định: Có thể từ ngày ký hoặc ghi ngày cụ thể trong quyết định.

+ Các biện pháp khắc phục hậu quả: Phải ghi đúng hình thức khắc phục theo quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản liên quan.

+ Trường hợp phạt tiền thì phải ghi rõ tên, địa chỉ Kho bạc phải nộp hoặc tên Ngân hàng được Kho bạc nhà nước ủy quyền thu để người vi phạm thực hiện.

+ Việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC được thực hiện theo Khoản 8, 9, 10, 11 và 12, Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP.

6. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chủng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức VPHC: Được thực hiện theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý VPHC, Điều 8 Nghị định 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC và Điều 9 Quyết định 19/2019/QĐ-UBND ngày 04/6/2019 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

7. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC:

- Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định thì sẽ bị cưỡng chế.

- Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC được thực hiện theo Điều 85, 86, 87, 88 Luật Xử lý VPHC và Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC.

8. Lưu trữ hồ sơ xử phạt VPHC: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý VPHC và hướng dẫn của Bộ, ngành thuộc người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt theo quy định.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
370 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;