Căn cước công dân và Bằng lái xe là hai loại giấy tờ tùy thân sắp tới sẽ có những thay đổi đáng chú ý. Việc này nhằm phục vụ nhanh chóng và hiệu quả cho công tác quản lý, tuy nhiên đâu đó vẫn còn một số bất cập.
Sắp tới, giấy tờ tùy thân sẽ có một số thay đổi nhất định (Ảnh minh họa)
1. Đổi mới Bằng lái xe và Căn cước công dân:
- Căn cước công dân có gắn chip:
Đây là nội dung được đề xuất bởi Bộ Công an tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ cấp cho người dân mẫu Căn cước công dân mới có gắn chip điện tử. Trên cơ sở đó, ngày 03/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân, trong đó có các nội dung về Đầu tư cơ sở hạ tầng; Đầu tư hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật; Đầu tư Phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.696 tỷ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước.
- Bằng lái xe có 12 điểm:
Bộ Công an đã đưa ra đề xuất này tại Dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo đó bằng lái xe sẽ có 12 điểm trong một năm, điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ của lái xe sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành. Đề xuất này đã được Chính phủ thống nhất tại Nghị quyết 123/NQ-CP 2020 phiên họp Chính phủ xây dựng pháp luật tháng 8.
2. Một số những bất cập, vướng mắc:
- Đối với Căn cước công dân có gắn chip điện tử:
Thẻ căn cước công dân kiểu mới có rất nhiều các lợi ích tích hợp như lưu trữ nhiều loại giấy tờ; phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo, giá thành chip cũng rẻ và đã được sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, với thẻ căn cước công dân có gắn chip thì người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ chỉ cần mang theo thẻ này mà không cần các giấy tờ rườm rà khác.
Mặc dù vậy, việc triển khai chính sách mới này còn gặp nhiều bất cập, nhất là việc Căn cước công dân vừa mới được cấp đã phải cấp lại. Việc cấp thẻ có mã vạch đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, hiện tại đã cấp ở 16 tỉnh thành với 16 triệu số định danh. Như vậy khi áp dụng việc cấp thẻ có gắn chip thì rất nhiều người vừa mới được cấp Căn cước công dân có mã vạch lại phải thay sang Căn cước công dân có gắn chip, gây hậu quả lãng phí cho nguồn ngân sách nhà nước.
- Đối với Bằng lái xe:
Bộ Công an đã dự kiến mức điểm bị trừ tương ứng với hành vi vi phạm, chẳng hạn như vượt đèn đỏ có thể bị trừ đến 6 điểm. Như vậy, chỉ cần người tham gia giao thông vi phạm lỗi này 2 lần sẽ bị trừ hết điểm. Do đó, với quy định khắt khe như vậy, đề xuất này được đưa ra với hy vọng nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông lên mức tối đã, giảm triệt để các lỗi vi phạm.
Tuy nhiên, Tại mục 4 Nghị quyết 123/NQ-CP có nêu "nếu trong 01 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 01 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm". Câu hỏi được đặt ra là giả sử một người trong năm đó không có vi phạm giao thông thì số điểm có được cộng dồn cho năm sau không? Nếu dựa theo ý nghĩa của câu này thì câu trả lời là có và bằng lái xe của người đó có thể lên đến 24 điểm sau một năm không phạm lỗi giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu cực của một bộ phận Cảnh sát giao thông cũng là một vấn đề đáng được quan tâm.
Xem thêm chi tiết tại:
- Nghị quyết 123/NQ-CP, có hiệu lực từ ngày 31/8/2020.
- Quyết định 1368/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 03/9/2020.
Nguyên Phú