Sản xuất rượu thủ công có thể không cần xin Giấy phép

Theo Dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu (Dự thảo nghị định) thì cá nhân, tổ chức không phải xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh nếu cá nhân, tổ chức đó là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công.

 

Tuy nhiên, làng nghề sản xuất rượu thủ công phải có đại diện đứng ra xin cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công cho làng nghề và người đại diện phải chịu trách nhiệm về các điều kiện sản xuất rượu áp dụng chung cho các thành viên thuộc làng nghề đó.

Theo đó, điều kiện cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được quy định như sau:

  • Là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh;
  • Đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá rượu theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, cá nhân, tổ chức là thành viên thuộc làng nghề sản xuất rượu thủ công mặc dù không cần xin Giấy phép nhưng phải tuân thủ một số quy định của Làng nghề, quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định khác có liên quan.

Hình ảnh minh họa

 

Trong hoạt động sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thì tổ chức, cá nhân có các quyền và nghĩa vụ như sau:

  1. Được tham gia hiệp hội làng nghề sản xuất rượu nếu thuộc địa phận có làng nghề;
  2. Được bán rượu do tổ chức, cá nhân sản xuất ra cho các thương nhân có Giấy phép phân phối rượu, Giấy phép bán buôn rượu, Giấy phép bán lẻ rượu, Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ và thương nhân thu mua rượu để xuất khẩu;
  3. Được trực tiếp tổ chức bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ tại hệ thống cửa hàng trực thuộc của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định mà không phải đề nghị cấp Giấy phép phân phối, Giấy phép bán buôn, Giấy phép bán lẻ rượu và Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ;
  4. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh không được nhập khẩu rượu, rượu bán thành phẩm, cồn thực phẩm và phụ liệu rượu để pha chế thành rượu thành phẩm;
  5. Nộp phí cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định của Bộ Tài chính;
  6. Cung cấp thông tin về rượu theo quy định;
  7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tình hình sản xuất kinh doanh theo quy định tại Nghị định này;
  8. Chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất rượu của mình;
  9. Không được bán rượu cho người dưới 18 tuổi;
  10.  Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có quy định rượu thuộc nhóm hàng hóa nhà nước hạn chế kinh doanh nhưng Dự thảo Nghị định đã sửa đổi và quy định rõ rượu là mặt hàng kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quy định mới này đã lấp đi kẽ hở “hạn chế” không rõ ràng trước đây và việc hoạt động kinh doanh rượu phải đáp ứng điều kiện là một quy định chi tiết và cụ thể. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định còn nêu rõ rượu không bao gồm bia các loại, nước trái cây lên men có nồng độ cồn dưới 5% theo thể tích.

Đối với các hoạt động về phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ, Dự thảo quy định mỗi loại hình hoạt động này đều phải có Giấy phép hoạt động liên quan đến các nội dung như: (1) Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật, (2) Đảm bảo về vốn điều lệ, (3) Năng lực tài chính, (4) Địa điểm hoạt động, (5) Điều kiện về an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, liên quan đến nhập khẩu rượu thì doanh nghiệp có Giấy phép phân phối rượu được phép nhập khẩu rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu nhập khẩu và rượu nhập khẩu phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) trước khi nhập khẩu và phải được cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định cấp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” đối với từng lô hàng.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1206 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;