Tôi muốn hỏi quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được quy định như thế nào? - Phương Thảo (Đà Nẵng)
- Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân
Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Bỏ phiếu tín nhiệm là gì?
Theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 85/2014/QH13, bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.
2. Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu
Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị quyết 85/2014/QH13, cụ thể như sau:
- Có kiến nghị của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp;
- Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.
3. Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu
Cụ thể tại Điều 14 Nghị quyết 85/2014/QH13, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu được quy định như sau:
- Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.
- Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Hội đồng nhân dân.
- Hội đồng nhân dân thảo luận.
- Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.
- Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.
- Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
- Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
4. Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện dựa trên các nguyên tắc theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết 85/2014/QH13, cụ thể như sau:
- Bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
- Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
- Bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm
Theo Điều 6 Nghị quyết 85/2014/QH13, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ do mình bầu được quy định như sau:
- Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm đúng đối tượng, nguyên tắc, thời hạn và quy trình theo quy định của Nghị quyết này.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tham gia lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng nhân dân; cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm, công bằng khi thể hiện mức độ tín nhiệm.
- Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có) gửi đến Hội đồng nhân dân trước kỳ họp.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Hội đồng nhân dân.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- bỏ phiếu tín nhiệm