Quy định về phân loại đơn vị hành chính

Xin hỏi là việc phân loại đơn vị hành chính được quy định thế nào? - Duy Ngọc (TP.HCM)

Quy định về phân loại đơn vị hành chính

Quy định về phân loại đơn vị hành chính (Hình từ Internet)

1. Đơn vị hành chính là gì?

Căn cứ Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh);

- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện);

- Xã, phường, thị trấn (cấp xã);

- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

2. Phân loại đơn vị hành chính

Tại Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về việc phân loại đơn vị hành chính như sau:

- Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội;

Xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.

- Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

- Đơn vị hành chính được phân loại như sau:

+ Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

+ Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;

+ Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.

- Căn cứ vào quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.

3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

Căn cứ Điều 5 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

- Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân.

- Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.

- Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch UBND.

4. Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính

Tại Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi 2019 quy định về việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính như sau:

- Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi 2019 phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.

- Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

5. Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương

Tại Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 sửa đổi 2019 quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương như sau:

- Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp.

- Việc phân định thẩm quyền được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc sau đây:

+ Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về thể chế, chính sách, chiến lược và quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia;

+ Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

+ Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ;

+ Việc phân định thẩm quyền phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đặc thù của các ngành, lĩnh vực;

+ Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện;

Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh;

Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương;

Trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định Chính phủ có quy định khác;

+ Việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác;

Gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra khi thực hiện phân quyền, phân cấp. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

- Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp.

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
490 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;