Tôi muốn hỏi hội là tổ chức gì? Để thành lập một hội phải đáp ứng các điều kiện như thế nào? - Thanh Thảo (Bình Thuận)
Quy định về điều kiện thành lập hội (Hình từ Internet)
1. Hội là tổ chức gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP)
2. Quy định về điều kiện thành lập Hội
Cụ thể tại Điều 5 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, các điều kiện thành lập hội được quy định như sau:
- Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ.
- Có điều lệ;
- Có trụ sở;
- Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội:
+ Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất một trăm công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;
+ Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm mươi công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;
+ Hội có phạm vi hoạt động trong huyện có ít nhất hai mươi công dân, tổ chức trong huyện có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;
+ Hội có phạm vi hoạt động trong xã có ít nhất mười công dân, tổ chức trong xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội;
+ Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có phạm vi hoạt động cả nước có ít nhất mười một đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh.
Hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất năm đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký thanh gia thành lập hiệp hội.
Đối với hội nghề nghiệp có tính đặc thù chuyên môn, số lượng công dân và tổ chức tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định 45/2010/NĐ-CP xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.
3. Phạm vi hoạt động của Hội theo lãnh thổ
Phạm vi hoạt động của hội theo lãnh thổ được quy định cụ thể như sau:
- Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;
- Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);
- Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);
- Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).
(Khoản 3 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP)
4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội
Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Tự nguyện; tự quản;
- Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch;
- Tự bảo đảm kinh phí hoạt động;
- Không vì mục đích lợi nhuận;
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.
Thanh Rin
- Từ khóa:
- điều kiện thành lập hội
- hội