Quốc hội thống nhất không cưỡng chế phạt hành chính bằng cắt điện, nước

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc Quốc hội biểu quyết tán thành không đưa biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế phạt hành chính vào Luật.

phạt hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012

Quốc hội thống nhất sẽ không cưỡng chế phạt hành chính bằng cắt điện, nước (Ảnh minh họa)

Trước đó, việc có nên đưa biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ vi phạm là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay không là vấn đề gây tranh cãi lớn. Có 2 luồng ý kiến xoay quanh vấn đề này:

Một là, tán thành phương án 1 - Không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước”;

Hai là, tán thành phương án 2 - Bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” vào Luật.

Chiều ngày 13/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Về vấn đề này, có 390/452 đại biểu Quốc hội biểu quyết không đưa quy định bổ sung biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp cắt điện, cắt nước vào dự luật. Như vậy, sẽ không có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước” khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

Vậy lý do tại sao không nên phạt hành chính bằng cắt điện, nước?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình Quốc hội tại kỳ họp này nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Việc không nên bổ sung biện pháp cưỡng chế xử phạt hành chính bằng biện pháp cắt điện, cắt nước xuất phát từ các lý do sau:

Thứ nhất, nguồn điện, nước là nhu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất tổ chức, cá nhân. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế là cắt điện, nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, làm gián đoạn, trì trệ các công đoạn, quy trình sản xuất, không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của người lao động. Pháp luật có thật sự mong muốn điều này?

Thứ hai, cắt của người này, ảnh hưởng đến người khác. Trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước hoạt động sản xuất, kinh doanh cùng tòa nhà, khu vực với các tổ chức, cá nhân khác không vi phạm việc áp dụng biện pháp này sẽ vô tình làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của hoạt động này. Trường hợp phát sinh thiệt hại cho những doanh nghiệp này thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai?

Thứ ba, biện pháp cưỡng chế phạt hành chính bằng cắt điện, nước có thật sự triệt để và hiệu quả. Bởi lẽ, trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng cắt điện, nước vẫn có thể sử dụng các cách khác như câu điện, nước từ những người sử dụng điện nước khác; mua máy phát điện để tự phát điện... Trong trường hợp này, công tác kiểm soát sẽ được thực hiện thế nào và có thực sự mang lại hiệu quả?

Nhìn chung, biện pháp cưỡng chế xử phạt hành chính bằng biện pháp cắt điện, cắt nước có thể sẽ trực tiếp tác động vào ý thức của tổ chức, cá nhân vi phạm. Tuy nhiên, xét cả mặt lợi và hại thì cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng biện pháp này để tránh hệ quả không thể kiểm soát được. Vì vậy, trong tương lai, nếu cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế xử phạt hành chính bằng biện pháp cắt điện, cắt nước cần có văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết để không làm ảnh hưởng đến quyền dân sự của các chủ thể liên quan cũng như mang lại hiệu quả tối ưu nhất.

Căn cứ:

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1482 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;