Nội dung, hình thức, yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị

Cho hỏi người dân có thể kiến nghị với cơ quan nhà nước về những vấn đề nào? Việc kiến nghị được thực hiện thông qua các hình thức nào? – Ngọc Thủy (Tiền Giang)

Nội dung, hình thức, yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị

Nội dung, hình thức, yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị (Hình từ Internet)

1. Phản ánh, kiến nghị là gì?

Theo khoản 4, 5 Điều 3 Nghị định 20/2008/NĐ-CP thì:

- Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm:

Những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.

- Kiến nghị là việc cá nhân, tổ chức có phản ánh với cơ quan hành chính nhà nước nêu trên và đề xuất phương án xử lý hoặc có sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.

2. Nội dung phản ánh, kiến nghị

Những nội dung phản ánh, kiến nghị được quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2008/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 92/2017/NĐ-CP) bao gồm:

- Những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức.

- Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế.

- Sự không đồng bộ, không thống nhất của các quy định hành chính.

- Quy định hành chính không hợp pháp.

- Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

- Những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính.

- Phương án xử lý những phản ánh quy định tại nêu trên.

- Sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân.

3. Hình thức phản ánh, kiến nghị

Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện thông qua một trong các hình thức theo quy định tại Điều 6 Nghị định 20/2008/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 92/2017/NĐ-CP) như sau:

- Văn bản.

- Điện thoại.

- Phiếu lấy ý kiến.

- Thông điệp dữ liệu được gửi qua thư điện tử của cơ quan tiếp nhận, Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương hoặc Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.

4. Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị

Căn cứ Điều 7 Nghị định 20/2008/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 92/2017/NĐ-CP), các yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị được quy định như sau:

4.1 Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng văn bản

- Cá nhân, tổ chức chuyển văn bản đến cơ quan tiếp nhận thông qua một trong những cách thức sau:

+ Trực tiếp chuyển đến cơ quan tiếp nhận;

+ Thông qua dịch vụ bưu chính;

+ Gửi thông điệp dữ liệu qua mạng máy tính điện tử (thư điện tử, trang tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử).

- Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.

- Thể hiện rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.

- Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị.

4.2 Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng điện thoại

- Chỉ thực hiện phản ánh, kiến nghị thông qua số điện thoại chuyên dùng đã công bố công khai.

- Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.

- Trình bày rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.

- Thông báo tên, địa chỉ, số điện thoại (hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ) của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị.

- Cán bộ, công chức tiếp nhận phải thể hiện trung thực nội dung phản ánh, kiến nghị bằng văn bản.

4.3 Yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị bằng Phiếu lấy ý kiến

- Chỉ áp dụng khi các cơ quan hành chính nhà nước muốn lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính cụ thể.

- Việc gửi Phiếu lấy ý kiến đến các cá nhân, tổ chức thực hiện thông qua một hoặc nhiều cách thức sau:

+ Gửi công văn lấy ý kiến

+ Lấy ý kiến qua phương tiện thông tin đại chúng;

+ Gửi thông điệp dữ liệu qua mạng máy tính điện tử (thư điện tử, lấy ý kiến công khai trên trang tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử).

- Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.

- Nội dung Phiếu lấy ý kiến phải thể hiện rõ những vấn đề cần lấy ý kiến.

4.4 Yêu cầu đối với phản ánh kiến nghị bằng thông điệp dữ liệu 

Yêu cầu đối với phản ánh kiến nghị bằng thông điệp dữ liệu được gửi qua thư điện tử của cơ quan tiếp nhận, Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương hoặc Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị như sau:

- Phản ánh, kiến nghị phải gửi đúng địa chỉ thư điện tử, địa chỉ truy cập Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương hoặc địa chỉ của Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị đã được cơ quan tiếp nhận công bố công khai.

- Sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; phông chữ của bộ mã ký tự chữ Việt (phông chữ tiếng Việt Unicode) theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001.

- Thể hiện rõ nội dung phản ánh, kiến nghị.

- Ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử hoặc địa chỉ thư tín khi cần liên hệ của cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị.

- Đính kèm các tệp tin có định dạng phù hợp theo yêu cầu của hệ thống thông tin. 

5. Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị

Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị bao gồm:

- Văn phòng Chính phủ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

- Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Đối với hình thức phản ánh, kiến nghị thông qua Phiếu lấy ý kiến, cơ quan hành chính nhà nước nào gửi Phiếu lấy ý kiến thì cơ quan đó tiếp nhận.

(Điều 8 Nghị định 20/2008/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 48/2013/NĐ-CP)

Văn Trọng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1000 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;