Nội dung cơ bản của Luật Hoạt động chữ thập đỏ

Luật Hoạt động chữ thập đỏ được QH thông qua ngày 03/6/2008, gồm 8 chương, 34 điều.

Chương I: Những quy định chung

Điều 1, Luật Hoạt động chữ thập đỏ quy định về hoạt động chữ thập đỏ; Vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ; Hợp tác quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và trách nhiệm các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hoạt động chữ thập đỏ.

Điều 2, Luật chỉ rõ hoạt động chữ thập đỏ là hoạt động nhân đạo dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp thực hiện về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa.

Điều 3 của Luật xác định nguyên tắc: tự nguyện, không vụ lợi, công khai minh bạch, đúng mục đích, đối tượng, kịp thời và hiệu quả, không phân biệt.

Điều 4 của Luật quy định: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chữ thập đỏ, đồng thời có chính sách bồi thường theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản khi tham gia hoạt động chữ thập đỏ...

Điều 5 của Luật nêu rõ: MTTQVN và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền vận động thành viên và nhân dân tham gia hoạt động chữ thập đỏ; Giám sát việc thực hiện pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ.

Điều 6 của Luật quy định hành vi bị nghiêm cấm, gồm: cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chữ thập đỏ; Sử dụng, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người trong hoạt động chữ thập đỏ; Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hiện vật do tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp cho hoạt động chữ thập đỏ; Lợi dụng hoạt động chữ thập đỏ nhằm mục đích xâm hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Lợi dụng hoạt động chữ thập đỏ để vụ lợi...

Chương II: Về hoạt động chữ thập đỏ nêu rõ khái niệm, nội dung, phương thức hoạt động, các bước tiến hành 7 hoạt động chữ thập đỏ. 

Chương III: Về biểu tượng trong hoạt động chữ thập đỏ. Luật quy định: “Biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành các hoạt động chữ thập đỏ và tại cơ sở, phương tiện hoạt động, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ”; Khi có xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các Công ước Giơnevơ. Biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ (Điều 16) được sử dụng và tôn trọng như biểu tượng chữ thập đỏ khi hoạt động tại Việt Nam.

Chương IV: Về vận động, quyên góp, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ. 

Luật quy định rõ nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ bao gồm nhân lực, tiền, hiện vật được vận động, quyên góp hỗ trợ từ NSNN. Hội Chữ thập đỏ tổ chức vận động để thực hiện hoạt động chữ thập đỏ khi xảy ra thảm họa nghiêm trọng. Chính phủ tạo điều kiện nhanh chóng thủ tục xuất nhập cảnh hải quan đối với người, tiền, hiện vật phục vụ hoạt động chữ thập đỏ. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động chữ thập đỏ được miễn, giảm thuế.

Quỹ hoạt động chữ thập đỏ là quỹ xã hội, từ thiện do Hội Chữ thập đỏ quản lý, được sử dụng để thực hiện các hoạt động chữ thập đỏ. Quỹ được hình thành từ các nguồn: đóng góp tự nguyện, tài trợ, viện trợ, hỗ trợ của Nhà nước. Quỹ bao gồm quỹ thành phần: cứu trợ khẩn cấp và các quỹ thành phần khác được lập theo quy định của pháp luật.

Chương V: Về hợp tác quốc tế

Theo Điều 26, Hội Chữ thập đỏ được tham gia hoạt động cứu trợ quốc tế, được ra lời kêu gọi nhân dân Việt Nam ủng hộ nhân dân các nước bị thảm họa nghiêm trọng sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; Nhà nước tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ tham gia hoạt động cứu trợ quốc tế.

Chương VI: Về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

Hội Chữ thập đỏ là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo, là thành viên của MTTQVN, thành viên của phong trào CTĐ – TLLĐ quốc tế có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hoạt động Chữ thập đỏ và thực hiện nhiệm vụ khác do Nhà nước giao. Kinh phí hoạt động của Hội Chữ thập đỏ có 4 nguồn: hội phí, ủng hộ của tổ chức, cá nhân, hỗ trợ từ NSNN, các nguồn thu hợp pháp khác.

Chương VII: Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cơ quan truyền thông trong hoạt động Chữ thập đỏ. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ; Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động Chữ thập đỏ; UBND các cấp quản lý hoạt động Chữ thập đỏ ở địa phương.

Luật quy định: các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp vận động nhân dân tham gia hoạt động Chữ thập đỏ, nêu điển hình tốt, phê phán biểu hiện tiêu cực trong thực hiện pháp luật về hoạt động Chữ thập đỏ.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1000 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;