Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp công dân. Luật này có 9 chương, với 36 điều và có hiệu lực từ 1-7-2014. Luật đã quy định đầy đủ những nguyên tắc tiếp công dân, như: Công khai, dân chủ, kịp thời, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo, phản ánh theo quy định của pháp luật. Dưới đây là những nội dung căn bản trong luật này.
* Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Xuất phát từ việc coi việc tiếp công dân thực chất là cách thức để cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức có thể trực tiếp lắng nghe, tiếp nhận, làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, qua đó giúp cho việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác, đúng pháp luật, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước,… Luật tiếp công dân 2013 đã quy định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan nhà nước. Đó là: Các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Việc tiếp công dân của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội luật giao cho các tổ chức này quy định trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc và quy trình đã được quy định trong luật này và phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động của từng cơ quan, tổ chức; việc tiếp công dân của các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Mặt khác, luật còn quy định về quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.
Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân; trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân, người tiếp công dân; công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị đến trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; công dân đến Trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân để tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Về việc tiếp đại diện cơ quan, tổ chức đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; tiếp người nước ngoài đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, tố cáo, luật quy định áp dụng như đối với tiếp công dân.
* Về nơi tiếp công dân
Lần đầu tiên luật quy định rõ về nơi tiếp công dân: Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại Trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên và là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết. Trụ sở tiếp công dân bao gồm: Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương; Trụ sở tiếp công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); Trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (cấp huyện). Việc tiếp công dân của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Để hoạt động tiếp công dân tại các trụ sở tiếp công dân hiệu quả hơn và làm nhiệm vụ chủ trì, phối hợp, điều phối trong việc giúp các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, luật đã quy định về thành lập ban tiếp công dân để trực tiếp quản lý trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp, phối hợp cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân.
Đối với các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp bộ trở xuống, Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước khu vực bố trí địa điểm tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan mình. Đối với Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện thì không bố trí địa điểm tiếp công dân thường xuyên tại cơ quan mình.
* Về trách nhiệm tiếp công dân
Luật quy định Văn phòng trung ương Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban nội chính Trung ương, Văn phòng chủ tịch nước, Văn phòng chính phủ, Ban dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cử đại diện phối hợp cùng ban tiếp công dân Trung ương thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương; Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cử đại diện phối hợp cùng Ban tiếp công dân cấp tỉnh thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; Văn phòng huyện ủy, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy cử đại diện phối hợp cùng ban tiếp công dân cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện.
Các cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội hoặc nơi tiếp công dân do các cơ quan của Quốc hội lựa chọn khi cần thiết để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri. Đại biểu Quốc hội thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh hoặc nơi tiếp công dân do đoàn đại biểu Quốc hội bố trí theo sự phân công của trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc khi thấy cần thiết. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cùng cấp hoặc tại nơi tiếp công dân ở địa phương mà đại biểu ứng cử theo sự bố trí của thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Bộ, cơ quan ngang bộ thành lập bộ phận tiếp công dân hoặc bố trí công chức thuộc thanh tra bộ làm công tác tiếp công dân; Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí công chức thuộc thanh tra cơ quan làm công tác tiếp công dân; Tòa án nhân dân tối cao, tòa án nhân dân các cấp, viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân các cấp, kiểm toán nhà nước, kiểm toán nhà nước khu vực có trách nhiệm tổ chức việc tiếp công dân và bố trí địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Việc tiếp công dân của cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và việc tiếp công dân của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với yêu cầu, tính chất tổ chức và hoạt động của từng cơ quan.
* Về hoạt động tiếp công dân
Ban tiếp công dân ở Trung ương, Ban tiếp công dân cấp tỉnh, Ban tiếp công dân cấp huyện có trách nhiệm niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân lịch tiếp công dân của lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương, danh sách các cơ quan, tổ chức có đại diện cùng tham dự buổi tiếp công dân và nội dung tập trung giải quyết tại từng buổi tiếp công dân. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai thông tin về việc tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị, tại địa điểm tiếp công dân và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có).
Lịch tiếp công dân của đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được niêm yết công khai tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội, nơi tiếp công dân của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Khi nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân thì người tiếp công dân yêu cầu những người này phải cử đại diện (là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh) bằng hình thức văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân. Trường hợp có từ năm đến mười người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên mười người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá năm người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Trưởng ban tiếp công dân nơi có nhiều người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tập trung có trách nhiệm trực tiếp tiếp hoặc cử người đại diện cho mình tiếp đại diện của những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để lắng nghe người đại diện trình bày về nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các thông tin, tài liệu do họ cung cấp. Trường hợp những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện viết thành văn bản hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc do người đại diện trình bày, đọc lại cho họ nghe và yêu cầu ký hoặc điểm chỉ để xác nhận. Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân tiếp nhận, xem xét thụ lý để giải quyết và thông báo cho đại diện của những người khiếu nại, tố cáo về kết quả xử lý theo quy định của pháp luật; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phức tạp, có nhiều nội dung, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, đã qua nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, giải quyết hoặc vụ việc có rất nhiều người tham gia, diễn biến phức tạp thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc trưởng ban tiếp công dân có trách nhiệm: Chủ trì hoặc phối hợp với đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hoặc đại diện Ủy ban nhân dân địa phương nơi phát sinh khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp đại diện người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu; cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Khi nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của Trưởng Ban tiếp công dân, người phụ trách địa điểm tiếp công dân thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan có trách nhiệm cử người có trách nhiệm hoặc trực tiếp tiếp người đại diện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo yêu cầu của người có thẩm quyền; giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền hoặc chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của mình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; chủ trì vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương.
Nguồn: Bình Phước Online
- Từ khóa:
- Luật Tiếp công dân 2013