Những điểm mới cần lưu ý khi triển khai Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Ngày 16/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài (sau đây viết tắt là: NNN) tại Việt Nam số 47/2014/QH13. Ngày 23/6/2014, Chủ tịch nước ký Lệnh số 04/2014/L-CTN công bố Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam thay thế Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 

Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam số 24/1999/PL-UBTVQH10 được Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28/4/2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2000 đã góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, đảm bảo an ninh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút NNN vào Việt Nam để đầu tư, du lịch, kinh doanh... Để triển khai thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của NNN tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý cho thấy, Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn và các luật khác, cụ thể:

- Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam quy định NNN sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh. Lợi dụng quy định này, thời gian qua nhiều NNN đã vào Việt Nam với danh nghĩa tham quan, du lịch, sau đó xin chuyển đổi để thực hiện các mục đích khác, đặc biệt xin chuyển đổi ở lại lao động, trong đó có nhiều lao động đang làm việc tại các dự án do nước ngoài trúng thầu, điều này gây khó khăn không ít cho công tác quản lý.

- Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam quy định thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định thời hạn của thị thực cấp cho NNN vào đầu tư tối đa là 05 năm; kí hiệu thị thực chưa theo kịp với thực tế.

- Về việc khai báo tạm trú của người nước ngoài, pháp luật quy định NNN khai báo tạm trú tại cơ sở lưu trú nhưng chưa quy định trách nhiệm của các cơ sở lưu trú trong việc chuyển thông tin khai báo tạm trú của NNN tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, các cơ quan chức năng chưa nắm được đầy đủ, kịp thời thông tin tạm trú của NNN.

- Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam chưa quy định rõ ràng việc phân công tổ chức thực hiện giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tham gia hoạt động quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN; chưa quy định trách nhiệm của các cơ sở lưu trú và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh cho NNN vào Việt Nam dẫn đến tình trạng làm thủ tục cho NNN nhập cảnh nhưng không quản lý, khi phát sinh vấn đề phức tạp như NNN vi phạm pháp luật, tai nạn, chết... thì thoái thác trách nhiệm.

- Về việc giải quyết thường trú, thực tiễn hiện nay có một số lượng lớn NNN đã ở Việt Nam từ trước năm 2000 nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch; Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo theo hướng giải quyết cho họ nhập quốc tịch Việt Nam; số chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì giải quyết cho thường trú để quản lý. Tuy nhiên, tại Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam chưa quy định việc giải quyết thường trú đối với những người thuộc diện được xét cho thường trú.

- Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam chưa quy định về thẩm quyền đơn phương miễn thị thực, nhưng thực tế Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đơn phương miễn thị thực cho công dân 07 nước; chưa quy định điều kiện nhập cảnh trở lại đối với người vào theo diện miễn nên có nhiều trường hợp NNN lạm dụng để vào Việt Nam...

Với những lý do trên, việc ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam thay thế cho Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, khách quan để hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam, tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.

Những điểm mới của Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam gồm 09 chương, 55 điều với bố cục rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu, áp dụng; bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 1992 và sự đồng bộ với các đạo luật có liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam. Ngoài những nội dung kế thừa các quy định hợp lý của Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của NNN tại Việt Nam đã được thực tiễn kiểm nghiệm, Luật có những điểm mới quan trọng sau:  

- Điểm mới thứ nhất, Luật đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam, do vậy, khi Luật có hiệu lực thi hành, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể dễ dàng áp dụng ngay không phải chờ văn bản hướng dẫn, cụ thể:

+ Thủ tục mời, bảo lãnh NNN vào Việt Nam (Điều 15 & Điều 16).

+ Quy định về khai báo tạm trú (Điều 33)

- Điểm mới thứ hai, Luật đã quy định nguyên tắc NNN có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam (Khoản 4 Điều 4). Nguyên tắc này nhằm tránh phát sinh những phức tạp trong quan hệ đối ngoại, dân sự, hình sự… đồng thời nhằm đảm bảo công tác thống kê được chính xác.

- Điểm mới thứ ba, Luật đổi mới các quy định về thị thực, cụ thể:

+ Thị thực nhập cảnh không được chuyển đổi mục đích (Khoản 1 Điều 7).

+ Quy định 20 loại thị thực (Điều 8).

+ NNN vào đầu tư được cấp thị thực có thời hạn tối đa đến 05 năm (Khoản 5, khoản 6 Điều 9) phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.

+ NNN vào lao động phải có giấy phép lao động thì mới được cấp thị thực (Điều 10).

+ Quy định cụ thể việc đơn phương miễn thị thực cho NNN vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế (Khoản 3 Điều 12), đơn phương miễn thị thực cho công dân một số nước (Điều 13).

+ Đối với NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực. Luật quy định thời điểm nhập cảnh Việt Nam phải cách thời điểm xuất cảnh ít nhất 30 ngày.

+ Luật đã bỏ quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài được cấp thị thực cho các trường hợp không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh (Thị thực D). Chỉ cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực có giá trị không quá 30 ngày cho một số trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm về việc cấp thị thực (Khoản 3, Khoản 4 Điều 17).  

- Điểm mới thứ tư, Luật dành một chương quy định về quá cảnh, bao gồm:

+ Điều kiện quá cảnh (Điều 23).

+ Khu vực quá cảnh (Điều 24).

+ Quá cảnh đường hàng không, đường biển (Điều 25 & Điều 26).

- Điểm mới thứ năm, Luật quy định các trường hợp chưa cho nhập cảnh, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật liên quan:

+ Chưa cho nhập cảnh người bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm, bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng (Khoản 4 & Khoản 5 Điều 21).

+ Tạm hoãn xuất cảnh (Điểm b & c Khoản 1 Điều 28)

+ Cơ quan có thẩm quyền chưa cho nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh (Điều 29).

- Điểm mới thứ sáu, Luật đã đổi mới về công tác khai báo tạm trú:

+  Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú chịu trách nhiệm việc khai báo tạm trú cho NNN, không bắt buộc NNN phải trực tiếp đến Công an xã, phường, thị trấn để khai báo tạm trú (Khoản 1 & Khoản 2 Điều 33).

+ Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, khuyến khích các cơ sở lưu trú khác gửi thông tin khai báo tạm trú qua mạng (Khoản 3 Điều 33).

- Điểm mới thứ bảy, Luật quy định cụ thể các trường hợp được xét cấp thẻ tạm trú và thời hạn thẻ tạm trú với từng đối tượng, đồng thời nâng thời hạn thẻ tạm trú lên 05 năm (Điều 38).

- Điểm mới thứ tám, Luật mở rộng đối tượng được xét cho thường trú (Khoản 2 Điều 39) và NNN đã ở Việt Nam từ trước năm 2000 nhưng không có giấy tờ chứng minh quốc tịch (Khoản 4 Điều 39). Đồng thời quy định cụ thể điều kiện xét cho thường trú (Điều 40).

- Điểm mới thứ chín, Luật đổi mới về việc xử lý vi phạm: Ngoài hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật Thi hành án hình sự, Luật đã quy định việc buộc xuất cảnh đối với NNN chưa đến mức bị trục xuất (Điều 30).

- Điểm mới thứ mười, Luật dành một chương quy định 09 quyền, 04 nghĩa vụ của NNN nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; 03 quyền, 06 trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh (Điều 44 & Điều 45).

- Điểm mới thứ mười một, về quản lý Nhà nước, Luật quy định Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam (Khoản 1 Điều 47).

- Tại các Điều 46, 48, 49, 50, 51 và 52, Luật cũng quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước như Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, bộ và các cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp và của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Những điểm cần lưu ý khi triển khai Luật số 47/2014/QH13 về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ nhất, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 04/2015/TT-BCA, ngày 05/01/2015 quy định 39 mẫu theo các nhóm sau:

- 18 mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan, tổ chức và cá nhân mời, bảo lãnh NNN; 07 mẫu giấy tờ dùng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; 14 mẫu giấy tờ cấp cho NNN nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Nội dung, hình thức các mẫu cơ bản kế thừa các mẫu hiện hành và có chỉnh lý, bổ sung mẫu mới, thay đổi ký hiệu để phù hợp với Luật. Thông tư cũng quy định việc in, sử dụng và quản lý các loại mẫu giấy tờ.

Đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh NNN phải sử dụng đúng mẫu ban hành kèm theo thông tư Thông tư 04/2015/TT-BCA, ngày 05/01/2015 của Bộ Công an.

- Việc xác nhận trong một số mẫu giấy tờ trước đây do UBND xã, phường xác nhận, nay do Trưởng Công an xã, phường xác nhận và ký tên, đóng dấu (phù hợp với từng mẫu).

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể truy cập, in, sử dụng các mẫu giấy tờ trên mạng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Thứ hai, lưu ý với các trường hợp mời, bảo lãnh khách nhập cảnh có điều kiện như sau:

- NNN nhập cảnh diện đầu tư: Phải có giấy phép đầu tư (kí hiệu thị thực ĐT).

- NNN nhập cảnh diện lao động: Phải có giấy phép lao động (kí hiệu thị thực LĐ).

- NNN nhập cảnh diện học tập: Phải có quyết định tiếp nhận của trường tại Việt Nam (kí hiệu DH).

Thứ ba, lưu ý đối với các cơ quan, doanh nghiệp có cơ sở cho NNN lưu trú phải thực hiện khai báo tạm trú cho NNN:

-  Đối với các cơ sở kinh doanh cho NNN lưu trú phải nối mạng.

-  Đối với cơ quan, tổ chức bảo lãnh cho NNN lưu trú phải có trách nhiệm:

+ Bố trí cho NNN lưu trú tại các cơ sở lưu trú đủ điều kiện về an ninh trật tự (đã được PC64 cấp giấy phép).

+ Phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú cho NNN.

+ Phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xử lý những vấn đề phát sinh khi NNN vi phạm.

Thứ tư, các cơ quan, doanh nghiệp làm thủ tục bảo lãnh NNN nhập cảnh hoặc cấp thị thực, gia hạn lưu trú cho NNN phải nộp hồ sơ pháp nhân theo quy định tại (Khoản 2 - Điều 16) của Luật.

Hồ sơ pháp nhân có thể nộp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và chỉ cần nộp một lần.

- Khi có thay đổi về pháp nhân: Người đứng đầu, địa chỉ, giấy phép kinh doanh...cơ quan, tổ chức phải có công văn thông báo sự thay đổi đó cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi nộp hồ sơ pháp nhân biết.

Nguồn: Trang tin điện tử Sở ngoại vụ Tỉnh Đắk Nông

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
872 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;