Năm 2020, có thể chứng thực Sơ yếu lý lịch, Bằng tốt nghiệp, Bằng Toeic ở đâu?

Năm 2020, có thể chứng thực Sơ yếu lý lịch, Bằng tốt nghiệp, Bằng Toeic ở đâu? Đây là câu hỏi gần đây Thư Ký Luật nhận được khá nhiều từ Quý Khách hàng và Thành viên. Ban biên tập Thư Ký Luật xin giải đáp vấn đề này tại bài viết dưới đây.

Năm 2020, có thể chứng thực Sơ yếu lý lịch, Bằng tốt nghiệp, Bằng Toeic ở đâu?

Năm 2020, có thể chứng thực Sơ yếu lý lịch, Bằng tốt nghiệp, Bằng Toeic ở đâu? - Ảnh minh họa

1. Chứng thực Sơ yếu lý lịch cá nhân

Sơ yếu lý lịch được xem như là một bản kê khai lý lịch của bản thân, bao gồm những thông tin cơ bản nhất về một người. Và đối với loại giấy tờ này thì việc yêu cầu chứng thực (hay là xác nhận) chỉ thực hiện thông qua việc chứng thực chữ ký.

Cụ thể, theo nội dung Công văn 1520/HTQTCT-CT ngày 20/3/2014 hướng dẫn xác nhận Sơ yếu lý lịch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn chỉ thực hiện chứng thực chữ ký của người khai Sơ yếu lý lịch; người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong lý lịch. Trong trường hợp người thực hiện chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong Sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung Sơ yếu lý lịch là đúng. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào Sơ yếu lý lịch của công dân.

Đồng thời, theo Mục 7 Công văn 1352/HTQTCT-CT ngày 10/3/2015, Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì một trong những trường hợp thực hiện chứng thực chữ ký là chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân. Cụ thể:

Điều 24. Thủ tục chứng thực chữ ký

4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;

b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;

c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;

d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Về thẩm quyền chứng thực thì theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản. Việc chứng thực này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực. Cụ thể:

Điều 5. Thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực

1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

b) Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;

...

5. Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

Ngoài ra, theo Mục 1 Công văn 1352/HTQTCT-CT ngày 10/3/2015, đối với chứng thực chữ ký thì Phòng Tư pháp và UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực như nhau, không phân biệt ngôn ngữ của giấy tờ văn bản.

Tóm lại, Sơ yếu lý lịch cá nhân có thể được chứng thực chữ ký tại nơi có thẩm quyền chứng thực, có thể là Phòng Tư pháp quận, huyện hoặc Ủy ban nhân dân xã ở bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ Việt Nam chứ không cần thiết phải là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký khi yêu cầu chứng thực chữ ký.

Đặc biệt lưu ý, theo nội dung tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP mới được ban hành ngày 03/3/2020 thì kể từ ngày 20/4/2020, người thực hiện chứng thực chỉ ghi lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

Điều 15. Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân

1. Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân. Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

2. Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

2. Chứng thực các giấy tờ khác như: Bằng Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Chứng nghỉ ngoại ngữ (TOEIC, TOFEL),…

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, thẩm quyền chứng thực các loại giấy tờ, văn bản được quy định như sau:

1. Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có thẩm quyền và trách nhiệm:

a) Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;

Ngoài ra, Mục 1 Công văn 1352/HTQTCT-CT ngày 10/3/2015 cũng nhấn mạnh về thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các loại giấy tờ, văn bản:

1. Về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực (Điều 5):

1.1. Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính:

Việc phân định thẩm quyền của Phòng Tư pháp và UBND cấp xã trong việc chứng thực bản sao từ bản chính căn cứ vào cơ quan cấp giấy tờ, văn bản. Theo đó, Phòng Tư pháp thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận (điểm a khoản 1); còn UBND cấp xã chỉ thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận (điểm a khoản 2).

Như vậy, có thể thấy, đối với Bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng, Chứng chỉ ngoại ngữ hay Giấy chứng nhận các loại mà do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài, hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp thì phải đến Phòng Tư pháp quận, huyện để chứng thực, còn lại đối với Bằng Tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng hay Chứng chỉ ngoại ngữ, Giấy chứng nhận do cơ quan Việt Nam cấp thì có thể đến Ủy ban nhân xã có thẩm quyền để chứng thực. Và theo Khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, việc chứng thực những loại giấy tờ này cũng không bắt buộc phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú mà có thể chứng thực ở bất kỳ cơ quan nào có thẩm quyền.

Lưu ý: Đối với huyện đảo mà ở đó không có Ủy ban nhân dân cấp xã thì Phòng Tư pháp thực hiện chứng thực theo quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.

Nguyễn Trinh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4061 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;