Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN), công tác giáo dục QP-AN trên phạm vi cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác giáo dục QP-AN cũng đã bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo ra những bước phát triển trong giáo dục QP-AN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh là cần thiết.
Do đó, ngày 19/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014.
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 8 chương, 47 điều.
- Chương I: Những quy định chung
- Chương II: Giáo dục QP-AN trong nhà trường.
- Chương III: Bồi dưỡng kiến thức QP-AN.
- Chương IV: Phổ biến kiến thức QP-AN cho toàn dân.
- Chương V: Giáo viên, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục QP-AN.
- Chương VI: Kinh phí giáo dục QP-AN.
- Chương VII: Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về giáo dục QP-AN.
- Chương VIII: Điều khoản thi hành.
Về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định nguyên tắc, chính sách, nội dung cơ bản, hình thức giáo dục QP-AN; nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, tổ chức, quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục QP-AN.
Đối tượng áp dụng của luật là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm tuân theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan về giáo dục QP-AN.
Luật quy định rõ mục tiêu giáo dục QP-AN là giáo dục cho công dân về kiến thức QP-AN để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Luật nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoạt động giáo dục QP-AN để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm cản trở việc thực hiện giáo dục QP-AN và các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động giáo dục QP-AN. Luật quy định việc giáo dục QP-AN trong nhà trường. Cụ thể, các trường tiểu học, trung học cơ sở thực hiện lồng ghép giáo dục QP-AN thông qua nội dung các môn học trong chương trình kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp lứa tuổi.
Đối với trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học thì giáo dục QP-AN là môn học chính khóa.
Đối với các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, giáo dục QP-AN cũng là môn học chính khóa theo chương trình khung của Bộ Quốc phòng.
Luật giáo dục QP-AN cũng quy định về việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đối với người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; đối với cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Luật còn quy định việc phổ biến kiến thức QP-AN cho toàn dân thông qua báo cáo viên, tuyên truyền viên, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác ở cộng đồng dân cư. Đặc biệt là phải phổ biến kiến thức QP-AN cho người dân ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa; trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Kinh phí cho nhiệm vụ giáo dục QP-AN được bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách, Luật doanh nghiệp. Luật quy định rõ, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành Trung ương và địa phương giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục QP-AN.
- Từ khóa:
- Giáo dục quốc phòng