Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã bổ dung thêm 04 trường hợp được áp dụng biện pháp ngăn chặn này.
Luật XLVPHC sửa đổi: Thêm 04 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại điểm a khoản 61 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
-
Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác; (đã được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)
-
Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 102 Luật Hải quan 2014)
-
Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; (quy định mới)
-
Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; (quy định mới)
-
Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. (quy định mới)
** Về thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
- Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm; trường hợp tạm giữ người vi phạm hành chính ở khu vực biên giới hoặc vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ được tính từ thời điểm người vi phạm được áp giải đến nơi tạm giữ.
- Đối với trường hợp tạm giữ để xác định tình trạng nghiện ma túy thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. (quy định mới)
- Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng.
** Về nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính:
- Nơi tạm giữ người theo thủ tục hành chính là nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính được bố trí tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi làm việc của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ người vi phạm hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc, nhưng phải bảo đảm các quy định chung.
- Cơ quan có chức năng phòng, chống vi phạm pháp luật mà thường xuyên phải tạm giữ người vi phạm hành chính cần bố trí, thiết kế, xây dựng nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính riêng, trong đó cần có nơi tạm giữ riêng cho người chưa thành niên, phụ nữ hoặc người nước ngoài và phải có cán bộ chuyên trách quản lý, bảo vệ.
- Đối với trường hợp tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy thì nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc nhà tạm giữ, buồng tạm giữ hành chính. (quy định mới)
- Đối với tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga thì tùy theo điều kiện và đối tượng vi phạm cụ thể, người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu quyết định nơi tạm giữ và phân công người thực hiện việc tạm giữ.
** Về thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính
>> Xem chi tiết tại bài viết Ai có quyền ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính?
Như vậy, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã thêm 01 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật Hải quan 2014 và bổ sung thêm 03 trường hợp hoàn toàn mới. Theo đó, từ 01/01/2022 sẽ có tất cả 05 trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính.
Thùy Trâm