Kế hoạch thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023

Xin hỏi là đối với kế hoạch thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng thì được hướng dẫn xây dựng thế nào? - Phát Thành (TP.HCM)

Kế hoạch thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023

Kế hoạch thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 (Hình từ Internet)

Thanh tra Chính phủ ra Công văn 1831/TTCP-KHTH ngày 13/10/2022 hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023.

Theo đó, hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo 2023 như sau:

1. Các cơ quan thanh tra phải phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng

Căn cứ Tiểu mục 3 Mục I Công văn 1831/TTCP-KHTH năm 2022 quy định về mục tiêu xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023 như sau:

Các cơ quan thanh tra triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng;

Quan tâm triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước; các biện pháp về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội về phòng, chống tham nhũng.

2. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023

Tại Tiểu mục 3 Mục II Công văn 1831/TTCP-KHTH năm 2022 quy định về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 như sau:

- Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là:

+ Chỉ thị 33-CT/TW năm 2014 về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, các quy định về công khai, minh bạch của Luật Phòng, chống tham nhũng;

+ Chỉ thị 50-CT/TW năm 2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng;

+ Kết luận 10-KL/TW năm 2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;

+ Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực;

+ Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng;

Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng;

Tiếp tục triển khai thi hành những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng... tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Tăng cường thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW năm 2019 về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;

Chỉ thị 04-CT/TW năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế;

Kết luận 05-KL/TW năm 2021 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW năm 2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

- Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn;

Thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức...;

Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và trong việc chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng;

Đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tham nhũng;

Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Tăng cường thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như:

+ Đất đai, tài nguyên khoáng sản;

+ Các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ...;

+ Kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.

Đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1303 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;