Hướng dẫn thủ tục xin nhập lại quốc tịch Việt Nam cho Việt Kiều

Quốc tịch là vấn đề quan trọng với mỗi cá nhân, nó thể hiện một cá nhân có được quyền và có nghĩa vụ đối với một quốc gia mà mình mang quốc tịch hay không. Trên thực tế hiện nay việc nhập quốc tịch, thôi quốc tịch hoặc trở lại quốc tịch,… đã không còn là khái niệm xa lạ.

thủ tục xin nhập lại quốc tịch Việt Nam cho Việt Kiều

Hướng dẫn thủ tục xin nhập lại quốc tịch Việt Nam cho Việt Kiều (Ảnh minh họa)

1. Điều kiện để trở lại quốc tịch Việt Nam của Việt Kiều

Người đã mất quốc tịch Việt Nam có Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam 2008. Cụ thể:

  • Xin hồi hương về Việt Nam;

  • Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;

  • Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

  • Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

  • Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;

  • Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Về nguyên tắc, khi làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam, Việt Kiều phải xin thôi quốc tịch nước ngoài hiện đang giữ, có nghĩa là chỉ được lựa chọn một trong hai quốc tịch (quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài). Tuy nhiên, Việt Kiều có thể được xem xét giữ lại quốc tịch nước ngoài nếu thuộc trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008. Bao gồm:

  • Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

  • Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

  • Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật không quy định cụ thể về trường hợp đặc biệt nào công dân được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài hiện đang giữ, mà trên thực tế, việc xem xét cho phép người xin trở lại quốc tịch Việt Nam được giữ quốc tịch nước ngoài được cân nhắc rất cẩn trọng dựa trên lý do, hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân xin trở lại quốc tịch Việt Nam và các điều kiện được quy định tại Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP như sau:

  • Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam;

  • Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;

  • Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng;

  • Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hồ sơ Xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Việt Kiều xin trở lại quốc tịch Việt Nam phải làm 03 bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:

  • Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

  • Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;

  • Bản khai lý lịch;

  • Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ

  • Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây:

    • Bản sao Giấy khai sinh;

    • Bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam;

    • Giấy tờ khác có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó

  • Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau:

    • Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân;

    • Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;

    • Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam;

    • Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của một trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao.

    • Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đang làm thủ tục xin hồi hương về Việt Nam

    • Bản sao giấy tờ chứng nhận việc đầu tư tại Việt Nam.

  • Con chưa thành niên cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ thì phải nộp bản sao Giấy khai sinh của người con hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ trở lại quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sống cùng người đó cùng trở lại quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thoả thuận của cha mẹ về việc trở lại quốc tịch Việt Nam của con.

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại

3. Trình tự thực hiện xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Bước 1: Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Cơ quan có thẩm quyền/

Bước 2: Thẩm tra hồ sơ.

Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Bước 3: Đề xuất xử lý hồ sơ

Sau khi nhận được kết quả xác minh từ Cơ quan Công an, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.

Bước 4: Giải quyết hồ sơ

Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.

Sau khi nhận giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài (nếu không thuộc các trường hợp được xét giữ lại quốc tịch nước ngoài) của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Đức Thảo

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1676 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;